U-gô Cha-vết chưa bao giờ thôi tin tưởng

09:03, 08/03/2013

Với những người yêu mến U-gô Cha-vết, ông là hiện thân của lý tưởng xã hội chủ nghĩa, là niềm hy vọng của những người dân nghèo Vê-nê-xu-ê-la và là “người Mỹ La-tinh vĩ đại”.

Rời bỏ trần gian ở tuổi 58, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la để lại sau lưng một quãng đời đầy giông bão với những thăng trầm chính trị sôi động mà không kém phần vinh quang. Ông được người nghèo trong nước và các đồng minh cánh tả yêu mến vô bờ, nhưng lại bị phe đối lập và phương Tây cho là độc tài ảo tưởng. Bất kể lúc nào, dù đứng trước biển người ủng hộ reo hò tại thủ đô Ca-ra-cát hay đối mặt với những giây phút khó khăn nhất của đời người, U-gô Cha-vết vẫn chưa bao giờ thôi tin tưởng.

Lý tưởng của người hùng

Ông Cha-vết sinh ngày 28-7-1954 tại làng Sabaneta trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên và tham gia Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Copei. Mơ ước làm vận động viên bóng rổ nhưng cậu thiếu niên Cha-vết nhập ngũ năm 17 tuổi rồi theo anh trai học tại Đại học Andes ở thành phố Mérida.

Bước ngoặt diễn ra năm 1982, khi chàng trai Cha-vết thất vọng trước sự suy đồi và tham nhũng của các chính trị gia đã thành lập “Phong trào cách mạng Bolivar” trong lòng các lực lượng quân sự.  Năm 1989, bạo loạn dân sự nổ ra ở nhiều thành phố khiến hơn 1.000 người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp của quân đội. Năm 1992, Cha-vết cùng nhóm sĩ quan trung cấp tiến hành cuộc đảo chính thành công trên hầu hết cả nước với mong muốn xây dựng một quốc gia Vê-nê-xu-ê-la phát triển hơn, hài hòa hơn và có tiếng nói hơn trên chính trường quốc tế. Nhưng, thất bại ở Ca-ra-cát khiến ông ở tù hai năm.

Ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Cha-vết có chuyến công du đầu tiên tới Colombia ngày 18-12-1998. Ảnh: Internet
Ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Cha-vết có chuyến công du đầu tiên tới Colombia ngày 18-12-1998. Ảnh: Internet

Người phát ngôn cho những người nghèo

Cuộc nổi dậy do ông U-gô Cha-vết lãnh đạo dù không thành công nhưng đã để lại tiếng vang lớn ở Vê-nê-xu-ê-la. Những người nghèo ở Vê-nê-xu-ê-la coi ông như một người hùng dám đứng lên chống lại chính quyền tham nhũng và độc tài.

Năm 1994, ông Cha-vết được trả tự do nhờ sức ép mạnh mẽ của dư luận trong nước. Ngay sau đó, ông tiến hành vận động đấu tranh chính trị, sáng lập Phong trào Đệ ngũ Cộng hòa (MVR) và tham gia tranh cử tổng thống năm 1998.

U-gô Cha-vết tranh cử với cam kết đưa ra các chính sách mang tính cách mạng về xã hội. Ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng, không chỉ từ tầng lớp dân nghèo nhất ở Vê-nê-xu-ê-la mà cả lớp trung lưu. Ngày 6-12-1998, ông thắng cử với 56% phiếu ủng hộ và trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Vê-nê-xu-ê-la.

Được lòng hầu hết dân chúng trong nước, nhưng ông Cha-vết cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn do sự chỉ trích của phe đối lập và các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Quan hệ giữa Vê-nê-xu-ê-la và Mỹ xuống thấp khi ông Cha-vết tố Oa-sinh-tơn "dùng khủng bố chống khủng bố" trong cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan mà Mỹ phát động sau sự kiện 11-9-2001. Tầng lớp trung lưu tại Vê-nê-xu-ê-la bất mãn vì cho rằng các quyền chính trị của họ bị bào mòn dần, nghi ngờ ông Cha-vết muốn lái đất nước theo con đường xây dựng quốc gia chỉ có một chính đảng.  

Chính vì thế, trong những năm tháng cầm quyền, Tổng thống Cha-vết đã kinh qua những biến động chính trị ghê gớm. Hồi tháng 11-2002, Tổng thống U-gô Cha-vết đã vượt qua cuộc đảo chính kéo dài 47 giờ đồng hồ do giới chức quân đội và doanh nghiệp tiến hành. Năm 2004, ông cũng đối mặt với nỗ lực của phe đối lập đòi phế truất ông trong cuộc trưng cầu ý dân. Tất nhiên, với sự ủng hộ của người dân, ông Cha-vết đã vượt qua khó khăn và từ đó bước tiếp con đường chính trị với đức tin của mình. Năm 2006, Cha-vết được bầu lại làm tổng thống với 63% phiếu, và tuyên bố các chính sách có tính cách mạng của ông sẽ được mở rộng hơn. Năm 2009, ông lại vượt qua cuộc trưng cầu ý dân khác về giới hạn thời gian cầm quyền của tổng thống, từ đó cho phép ông tiếp tục nắm quyền. Với kết quả trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 7-10-2012, ông Cha-vết đã tiếp tục kéo dài những chiến thắng ròn rã trong sự nghiệp chèo lái con thuyền chính trị Vê-nê-xu-ê-la của mình.

Trong suốt 14 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống U-gô Cha-vết, đất nước Mỹ La-tinh này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo nên những đổi thay sâu sắc, tích cực. Một trong những thành tựu nổi bật là cải thiện rõ rệt đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động.

Tổng thống U-gô Cha-vết đặc biệt chú trọng đến các chương trình an sinh xã hội cho người dân, nhất là tầng lớp người nghèo. Nhờ các khoản đầu tư của chính phủ từ lợi nhuận thu được do dầu mỏ, đời sống của đa số người dân Vê-nê-xu-ê-la được cải thiện. Họ có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở... Chính vì thế, nhiều người đã gọi ông là "người phát  ngôn cho những dân nghèo". Trong lĩnh vực đối ngoại, vai trò và vị thế của Vê-nê-xu-ê-la trên trường quốc tế và khu vực ngày càng được củng cố và nâng cao, đặc biệt khi Ca-ra-cát luôn tích cực chia sẻ nguồn lợi từ dầu khí của mình để hỗ trợ các nước khác.

Kiên cường chiến đấu

Đầu năm 2012, ông Cha-vết phải đến Cu-ba để điều trị ung thư. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật cắt bỏ các khối u ác tính kể từ sau khi phát hiện bệnh tháng 6-2011. Ngoài ra còn nhiều đợt hóa trị, xạ trị cả trong và ngoài nước. Dù vậy, ông vẫn đủ sức giành được thêm một nhiệm kỳ tổng thống 6 năm.

Ri-sác Gót, tác giả quyển sách Hugo Chávez and the Bolivarian Revolution (U-gô Cha-vết và cuộc cách mạng Bolivar), người từng phỏng vấn và trò chuyện với ông Cha-vết nhiều lần từ khi ông mới bắt đầu lên nắm quyền, cho rằng hình ảnh xấu xí của ông Cha-vết trên truyền thông phương Tây chỉ là sự thổi phồng và vì ông là một kẻ khác người khi chống lại quốc gia mà nhiều nước muốn trở thành đồng minh là Mỹ. Ông đánh giá người đứng đầu Vê-nê-xu-ê-la có tham vọng đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo. “Ký ức về ông U. Cha-vết sẽ sống mãi tại Mỹ La-tinh, cùng với Xi-môn Bô-li-va và Che Ghê-va-ra, như một lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn”, Ri-sác Gót viết./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com