Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri vừa kết thúc chuyến thăm chín nước Anh, Đức, Pháp, I-ta-li-a, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Ca-ta kéo dài từ ngày 25-2 đến 6-3. Chuyến đi với nhiều mục đích như tăng cường quan hệ Mỹ - châu Âu, cải thiện quan hệ với các nước A-rập, giải quyết tình trạng xung đột, bất ổn lan rộng ở Trung Đông, vấn đề hạt nhân của I-ran... nhằm tiếp tục củng cố vị thế và ảnh hưởng của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
Không phải ngẫu nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri lại chọn châu Âu và Trung Đông làm điểm đến trong chuyến xuất ngoại lần đầu sau khi nhậm chức, mà sự lựa chọn này có tính toán, cân nhắc, phản ánh mối quan tâm và quan điểm mới trong chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn. Từ lâu, châu Âu là đồng minh truyền thống quan trọng của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề thế giới và Oa-sinh-tơn luôn coi trọng việc duy trì, củng cố quan hệ với châu Âu nhất là các nước Anh, Đức, Pháp, I-ta-li-a... Mối quan hệ gắn bó Mỹ - châu Âu đã được Phó Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn khẳng định tại Hội nghị An ninh quốc tế Mu-ních mới đây, trong đó, nhấn mạnh Mỹ luôn tin tưởng châu Âu là trụ cột trong mối quan hệ của Mỹ với các nước trên thế giới và là chất xúc tác quan trọng trong tiến trình hợp tác quốc tế.
![]() |
Ông G.Ke-ri gặp Thủ tướng Ca-ta S.An Tha-ni ở Thủ đô Đô-ha. |
Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối phó nhiều vấn đề gai góc, phức tạp ở trong và ngoài nước: xung đột, cạnh tranh lợi ích gay gắt giữa các nước lớn; làn sóng chống Mỹ, bạo lực, bất ổn và khủng bố gia tăng tại Trung Đông, châu Phi; tình trạng sa lầy trong cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan và cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng; nhiều khó khăn chồng chất tồn đọng trong lòng nước Mỹ như nợ công, thâm hụt ngân sách, thất nghiệp... thì việc tăng cường hợp tác với châu Âu để đối phó và giải quyết các thách thức được coi như một lựa chọn cần thiết. Hơn thế, chuyến thăm châu Âu của ông G.Ke-ri cũng nhằm triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ đã được Tổng thống Ô-ba-ma đề cập trong Thông điệp liên bang hồi đầu năm, trong đó, Oa-sinh-tơn muốn thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên hiệp châu Âu (EU). Tại châu Âu, ông G.Ke-ri đã gặp và thảo luận với các nhà lãnh đạo và bộ trưởng ngoại giao các nước Anh, Đức, Pháp, I-ta-li-a về hàng loạt vấn đề cùng quan tâm như tăng cường quan hệ Mỹ - châu Âu, triển vọng FTA Mỹ - EU, khắc phục cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu... Đánh giá về kết quả và triển vọng FTA giữa EU và Mỹ sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức G.Ve-xtơ-vê-lơ, Bộ trưởng G.Ke-ri tuyên bố, nước Mỹ và châu Âu có cơ hội "có một không hai" để đạt được FTA, nhằm thúc đẩy nền kinh tế của châu Âu và Mỹ, tạo việc làm và nâng cao mức sống cho người dân cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Ông Ke-ri cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Mỹ - Đức nói riêng và châu Âu nói chung cùng mối quan hệ đặc biệt với Anh.
Tuy nhiên, trọng tâm chính trong chuyến xuất ngoại lần đầu của ông Ke-ri là cuộc khủng hoảng ở Xy-ri và vấn đề hạt nhân của I-ran. Cuộc khủng hoảng Xy-ri và vấn đề hạt nhân I-ran liên tục được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các cuộc hội đàm giữa ông Ke-ri với các nhà lãnh đạo, các quan chức các quốc gia châu Âu và các nước A-rập. Vấn đề Xy-ri còn được ông Ke-ri và Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp thảo luận kỹ trong cuộc gặp riêng tại Thủ đô Béc-lin (Đức), nhưng hai bên vẫn chưa thu hẹp được những bất đồng trong việc tìm kiếm giải pháp nhằm chấm dứt xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Mặc dù được mô tả bằng từ ngữ khiêm tốn là "chuyến đi lắng nghe" để tìm kiếm tiếng nói chung và sự đồng thuận cho các giải pháp chính trị đối với vấn đề Xy-ri, nhưng người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã có những tuyên bố mạnh mẽ, nhằm tăng sức ép đòi Tổng thống Át-xát từ chức và công khai ủng hộ lực lượng đối lập ở Đa-mát không chỉ về tinh thần mà cả vật chất (Mỹ tuyên bố ủng hộ khoản viện trợ vũ khí phi sát thương trị giá 60 triệu USD). Bộ trưởng Ngoại giao Xy-ri A.Mu-a-lem đã lên án chính sách hai mặt này của Oa-sinh-tơn đối với Xy-ri trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang kêu gọi cuộc đối thoại giữa các bên Xy-ri. Chính sách tích cực can dự vào Xy-ri cũng được khẳng định trong cam kết giữa Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Tổng thống Nga V.Pu-tin qua cuộc điện đàm mới đây. Tuy nhiên, tình hình tại Xy-ri diễn biến rất phức tạp không theo mong muốn của Mỹ và các nước phương Tây. Những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên Xy-ri và trong chính lực lượng đối lập cùng những quan điểm trái ngược giữa các quốc gia thành viên HĐBA và các nước liên quan trong khu vực khiến việc tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt bạo lực và xung đột ở Xy-ri thật sự là bài toán nan giải. Không chỉ vấn đề Xy-ri mà chương trình hạt nhân của I-ran cũng đang khiến Oa-sinh-tơn rất đau đầu. Bất chấp các biện pháp trừng phạt về kinh tế, ngoại giao và những tuyên bố mang tính răn đe của Mỹ và phương Tây, Tê-hê-ran vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước, luôn tỏ rõ thái độ kiên định theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự. Trả lời phỏng vấn báo chí sau chuyến đi, ông Ke-ri cảnh báo chương trình hạt nhân của I-ran đang là thách thức nghiêm trọng trong thời điểm hiện nay.
Có thể nói, với nhiều toan tính và kỳ vọng nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Xy-ri và chương trình hạt nhân của I-ran trong chuyến xuất ngoại lần đầu, nhưng kết quả mà ông G.Ke-ri thu được còn rất hạn chế./.
Theo: Báo Nhân dân