Trong bối cảnh có những lo ngại về tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế của Ấn Ðộ trong thời gian gần đây, chính phủ nước này đang đẩy mạnh cải cách, phục hồi đầu tư và thúc đẩy kinh tế. Kinh tế Ấn Ðộ hiện tăng trưởng chậm ở mức 5,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình khoảng 8%/năm của thập niên vừa qua.
Tổng thống Ấn Độ P.Mu-khơ-gi cho biết, kinh tế nước này hiện đã tăng trưởng chậm lại với mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế chỉ đạt 5,4% trong sáu tháng đầu năm tài chính hiện nay. Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Thống kê trung ương (CSO), tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong tài khóa hiện nay (kết thúc vào tháng 3-2013) có thể chỉ đạt 5%, so với mức 6,2% của năm ngoái. Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh cảnh báo, môi trường đầu tư của Ấn Độ đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách và hoạt động của chính quyền các bang. Do vậy, Chính phủ Ấn Độ triển khai nhiều biện pháp nhằm khôi phục lòng tin của nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và tháo gỡ các "nút thắt cổ chai" trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
![]() |
Vụ mùa năm 2011-2012, Ấn Độ đạt sản lượng kỷ lục 251 triệu tấn ngũ cốc. |
Trong lĩnh vực tài chính, Ấn Độ đã thực hiện những cải cách đáng kể. Một lộ trình củng cố tài chính đã được đề ra nhằm giảm mức thâm hụt tài chính hiện đã lên tới mức đáng lo ngại. Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ kiềm chế thâm hụt tài chính ở mức 5,3% trong tài khóa này và tiếp tục giảm xuống còn 4,8% vào năm tới. Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) vừa ban hành các quy chế mới sẽ cho phép các công ty tư nhân và các công ty tài chính không thuộc ngân hàng được tham gia lĩnh vực ngân hàng, vốn phải tuân thủ các quy chế rất khắt khe ở Ấn Độ. Theo đó, từ ngày 1-7 tới, các công ty tư nhân và nhà nước cũng như các công ty tài chính không thuộc lĩnh vực ngân hàng có thể xin giấy phép thành lập ngân hàng. Vốn tối thiểu để thành lập ngân hàng là khoảng 92,5 triệu USD và cổ phần do nước ngoài nắm giữ không được quá 49% trong năm năm đầu tiên.
Số liệu do Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ vừa công bố cho biết, lạm phát tại nước này trong tháng 2 vừa qua đã giảm xuống còn 6,62%, mức thấp nhất trong vòng ba năm nay. Đây là lần đầu tiên lạm phát tại Ấn Độ xuống mức dưới 7% kể từ năm 2009 và là tin vui đối với các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ và tăng thêm khả năng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ dự đoán lạm phát trong tài khóa hiện ở mức khoảng 6,5%, nhưng vẫn kêu gọi chính phủ mở các kho lương thực để giảm sức ép giá cả. Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ C.Ran-ga-ra-gian đánh giá, lạm phát giảm là dấu hiệu đáng hoan nghênh đối với nền kinh tế nước này.
Các thống kê mới nhất cho thấy tình hình kinh tế Ấn Độ đang có chuyển biến tích cực. Lĩnh vực nông nghiệp Ấn Độ đã gặt hái nhiều thành công trong vụ mùa 2011- 2012 với sản lượng kỷ lục 251 triệu tấn ngũ cốc. Với 128 triệu tấn sữa sản xuất trong năm vừa qua, Ấn Độ tiếp tục là nước sản xuất sữa lớn nhất thế giới. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sữa, chính phủ nước này đã thông qua Kế hoạch sản phẩm sữa toàn quốc, góp phần bảo đảm mục tiêu sản xuất 150 triệu tấn sữa vào năm 2016-2017. Năm 2012-2013 được tuyên bố là "Năm Nông nghiệp" của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai kế hoạch quốc gia về chế biến thực phẩm; triển khai hình thức hợp tác công-tư để xây dựng các kho chứa lương thực, thông qua chính sách đầu tư mới phục vụ nông nghiệp...
Các chuyên gia kinh tế LHQ dự báo, kinh tế của Ấn Độ sẽ tăng 6,1% trong năm tài chính 2013 và 6,5% trong năm 2014 nhờ hoạt động xuất khẩu và đầu tư mạnh hơn. Tại kỳ họp bàn về ngân sách cho tài khóa mới của nước này vừa qua, Tổng thống Ấn Độ P.Mu-khơ-gi bày tỏ hy vọng các biện pháp phục hồi đầu tư và thúc đẩy kinh tế sẽ mang lại kết quả tích cực, giúp ổn định chính sách tài chính và cải thiện lòng tin của giới doanh nghiệp./.
Theo: nhandan.org.vn