Giữ gìn tiếng Việt trên đất Thái

08:03, 08/03/2013

Hiện có khoảng 120 nghìn người Việt sống tại Thái Lan nhưng tập trung nhiều nhất vẫn ở các tỉnh vùng Đông Bắc như Udon Tha Ni, Noong Khai, Nakhon Phanom, Mukdahan, Khon Ken, Sakon Nakhon... Riêng Sakon Nakhon là nơi tập trung cư trú của hơn 80% Việt kiều tại Thái Lan. Khác với các cộng đồng người Hoa, người Lào, Việt kiều tại đây ngoài nghề nông, còn có nghề cơ khí, sửa chữa điện máy, một số người kinh doanh trong các ngành chế biến lương thực thực phẩm với các nhà máy xay xát lúa gạo, mở điền trang trồng cây ăn quả, chăn nuôi thậm chí một số người trở thành công chức, nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền Thái Lan. Dù rằng cuộc sống phần lớn bà con đều phải tự lực mưu sinh nhưng tình làng, nghĩa xóm, nghĩa cử hướng về quê hương vẫn luôn được mọi người bảo lưu, gìn giữ.

Sinh viên gốc Việt ở Thái Lan. Ảnh: Internet
Sinh viên gốc Việt ở Thái Lan.
Ảnh: Internet

Sinh sống ở Thái Lan nhưng cộng đồng người Việt vẫn duy trì những nếp sinh hoạt của dân tộc. Với những người lớn tuổi hiện định cư, sinh sống ở Sakon Nakhon, tiếng Việt vẫn được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Điều không ít người luôn suy nghĩ và lo lắng là nếu giả dụ không biết tiếng Việt thì thế hệ trẻ là con em người Việt trên đất Thái nói chung và Sakon Nakhon nói riêng sau này sẽ ra sao. Ông Lê Văn Huấn, Chủ tịch Hội Việt kiều ở Sakon Nakhon cho biết nguyên nhân sâu xa là do lớp trẻ người Việt ở đây đã đến thế hệ kiều bào thứ tư hoặc thứ năm, ngoài ra cũng còn ít trường dạy học tiếng Việt. Giờ đây, số lượng con em kiều bào học lên cao rất nhiều, nhưng cũng đồng nghĩa với việc tiếng Việt ít có cơ hội sử dụng. Mặc dù vậy kiều bào ở Sakon Nakon (kể cả một số tỉnh khác) luôn quan tâm tới việc dạy tiếng Việt cho con em mình. Một số nơi còn tổ chức dạy tiếng Việt tại gia đình, nhưng do điều kiện kinh tế, nhiều bà con thường phải đi khắp nơi kiếm sống nên rất khó khăn cho việc dạy và học tiếng Việt. Tại tỉnh Sakon Nakhon hiện đã có Trung tâm Văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của Việt Nam đặt tại Trường Đại học Thatnalai do Chính phủ Thái Lan nhận bảo trợ. Ở đây cũng có một số giáo viên dạy tiếng Việt. Dự định của ông Huấn là muốn có hẳn một trường dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều ở cấp phổ thông. Khi các em đã hoàn thành phổ cập bậc phổ thông nếu có nguyện vọng sẽ gửi đi học tiếp bậc đại học.

Năm 2007, Hội người Việt Nam tỉnh Sakon Nakhon được thành lập. Đây cũng là tổ chức Hội đoàn đầu tiên của người Việt Nam tại Thái Lan được chính quyền sở tại công nhận và cấp phép hoạt động. Từ Hội người Việt Nam tỉnh Sakon Nakhon đã dần phát triển sang nhiều tỉnh, thành khác như Hội người Việt tại Udon Thanin, Mukdahan, Nongkhai, Ubon Ratchathani, Kalasin… Mỗi năm, vào những dịp lễ hội lớn của dân tộc như Tết Cổ truyền, Tết Trung thu, Quốc khánh 2-9... người Việt ở đây cùng tập trung về các trụ sở Hội để cùng giao lưu, sinh hoạt cộng đồng cũng như hưởng ứng các hoạt động nhân đạo giúp đỡ đồng bào trong nước như góp hiện kim, hiện vật ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào trong nước bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt (nếu có)… Đặc biệt mới đây, Hội người Việt Nam toàn Thái Lan đã phối hợp với chính quyền tỉnh Sakon Nakhon, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Khon Ken tổ chức khai trương trụ sở mới, chính thức đi vào hoạt động đúng quy củ. Theo đó kể từ thời điểm này, Tổng hội sẽ trở thành một tổ chức xã hội bao gồm đại diện của Hội người Việt ở khắp các tỉnh, thành phố của Thái Lan hoạt động hợp pháp, đóng vai trò làm cầu nối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, góp phần để cộng đồng người Việt tại Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ./.

Theo: daidoanket.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com