Tuy-ni-di, cái nôi của “Mùa xuân A-rập”, vẫn đang luẩn quẩn trong khủng hoảng chính trị. Ngày 19-2, Thủ tướng Tuy-ni-di Ha-ma-đi Giê-ba-li đã tuyên bố từ chức sau khi không thành lập được một chính phủ kỹ trị. Ông Giê-ba-li cũng cho biết, sẽ tiếp tục lãnh đạo chính phủ hiện nay cho tới khi đạt được đồng thuận để thành lập một chính phủ mới.
Người biểu tình Tuy-ni-di phản đối tình trạng thất nghiệp gia tăng. |
Trước đó, ngày 18-2, ông Giê-ba-li đã thừa nhận không thể thành lập một chính phủ kỹ trị sau khi các cuộc thương lượng giữa các đảng phái không đạt đồng thuận về vấn đề này. Theo kế hoạch, Tổng thống Tuy-ni-di Môn-xép Mác-du-ki sẽ gặp lãnh đạo Đảng En-na-đa cầm quyền để đề nghị chọn Thủ tướng mới.
Sự ra đi của ông Giê-ba-li đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng chính trị đang khuấy đảo quốc gia này tiếp tục "tại vị". Tình hình tại Tuy-ni-di bắt đầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng sau vụ thủ lĩnh Đảng Những người yêu nước dân chủ (DPP) đối lập, ông Sốc-ri Bê-lét, bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng vào sáng 6-2 vừa qua. Đây là vụ ám sát đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Ben A-li bị lật đổ hồi năm 2011. Không có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm tiến hành vụ ám sát này. Vụ việc đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình chống Chính phủ ở nhiều nơi trên cả nước. Vụ việc càng làm gia tăng nghi ngờ của những người vốn buộc tội Chính phủ không tỏ rõ thái độ đủ cứng rắn với các phần tử cực đoan. Dù Đảng En-na-đa đã phủ nhận mọi sự dính líu đến vụ ám sát này, song gia đình ông Sốc-ri Bê-lét tố cáo chính đảng cầm quyền đứng đằng sau vụ việc và không ít người vẫn công khai phản đối En-na-đa.
Để giải quyết tình trạng khủng hoảng này cũng như bảo đảm thành công cho quá trình chuyển tiếp dân chủ, ông Giê-ba-li đã đề xuất thành lập một nội các độc lập gồm các nhà kỹ trị phi đảng phái sau khi giải tán Chính phủ liên minh. Tuy nhiên, Đảng En-na-đa của ông lại chỉ ủng hộ một Chính phủ với các thành phần gồm kỹ trị và thành viên các chính đảng.
Hai năm đã trôi qua từ sau phong trào biểu tình lật đổ Tổng thống Ben A-li, thế nhưng, Tuy-ni-di vẫn chìm trong bất ổn sâu sắc. Cái gọi là dân chủ-phần thưởng hứa hẹn của phương Tây vốn bị cáo buộc đứng đằng sau tiếp tay cho các cuộc biểu tình vẫn ở đâu đó xa vời. Kinh tế suy thoái nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khiến người dân ngày càng thất vọng, xem ra “Mùa xuân A-rập” đã hoàn toàn không giống với những gì mà người ta kỳ vọng. Theo Roi-tơ, hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Tuy-ni-di lên tới 18% trong khi lạm phát ở mức 10%. Trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế Tuy-ni-di chỉ đạt 2,4%. Ngày 19-2, tờ Người bảo vệ của Anh cho biết, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đã hạ bậc tín nhiệm của quốc gia Bắc Phi này do bất ổn chính trị. Theo nhận định của S&P, kinh tế nước này sẽ chưa thể phục hồi trong năm nay.
Với những gì đang diễn ra, các nhà phân tích cho rằng, khó có thể đánh giá chính xác về khả năng “khơi thông” những bế tắc chính trị sau quyết định từ chức của Thủ tướng Giê-la-bi. Và như thế, cũng giống như Ai Cập hay Li-bi, "Mùa xuân A-rập" được hứa hẹn sẽ vẫn "tàn phá" Tuy-ni-di./.
Theo: qdnd.vn