Từ Li-bi đến Ma-li - Cuộc phiêu lưu mạo hiểm của nước Pháp

08:02, 01/02/2013

Liên minh Pháp và Ma-li đã giành được những thắng lợi bước đầu khi đẩy lùi lực lượng Hồi giáo cực đoan về phía Bắc. Thế nhưng, cuộc phiêu lưu mạo hiểm của nước Pháp ở quốc gia châu Phi này mà Tổng thống Pháp Prăng-xoa Ô-lăng-đơ đang dẫn dắt nhiều khả năng chưa thể sớm dừng lại.

Quyết định can thiệp quân sự bất ngờ và có phần vội vã của Pháp ở Ma-li là hệ quả của các cuộc tấn công bất ngờ, nhanh chóng với mục tiêu tiến xuống miền Nam của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Ma-li. Nhưng đó lại là cơ hội “có một không hai” của đương kim Tổng thống Ô-lăng-đơ nhằm vượt qua khỏi cái “bóng” của người tiền nhiệm Ni-cô-la Xác-cô-di và củng cố vị thế nước Pháp trên trường quốc tế.

Tám tháng sau khi nắm quyền lãnh đạo nước Pháp, chiến dịch can thiệp quân sự tại Ma-li, quốc gia vốn là thuộc địa của Pháp thế kỷ trước, là lần “thử lửa” đầu tiên của Tổng thống Ô-lăng-đơ trên cương vị Tổng tư lệnh quân đội. Lợi thế hơn hẳn người tiền nhiệm Xác-cô-di khi đi tiên phong trong cuộc chiến lật đổ chính quyền Ca-đa-phi ở Li-bi năm 2011, việc đưa quân tới Ma-li của ông Ô-lăng-đơ được xem là hợp pháp về hai phương diện: Vừa theo đề nghị của Chính phủ Ma-li; vừa phù hợp với nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ. Bên cạnh đó, Pa-ri còn nhận được sự ủng hộ từ trong nước và các quốc gia trong khu vực châu Phi.

Lính Pháp có mặt ở Ma-li chuẩn bị vũ khí cho các chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào lực lượng phiến quân. Ảnh: Internet
Lính Pháp có mặt ở Ma-li chuẩn bị vũ khí cho các chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào lực lượng phiến quân. Ảnh: Internet

Pa-ri biện hộ rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt chỉ nhằm bảo vệ người dân Ma-li trước các nhóm cực đoan và nước Pháp làm việc này không chỉ vì an ninh của Ma-li, mà còn vì sự ổn định của toàn khu vực Tây Phi. Nhưng thật sự, Pháp đã dấn thân vào một cuộc chơi mạo hiểm mới có nhiều cơ hội lẫn rủi ro cả trên bình diện đối nội lẫn đối ngoại.

Trước hết, chiến dịch can dự quân sự của Pháp ở Ma-li được cho là có ý nghĩa quyết định đối với vai trò của Pháp ở châu Phi. Đó là cuộc chiến địa chiến lược quan trọng để có một chỗ đứng vững chắc ở Ma-li, nơi Pháp có thể tiếp cận nguồn tài nguyên năng lượng ở miền Bắc và bảo vệ lợi ích chiến lược của mình ở hai nước láng giềng Ni-giê và Mô-ri-ta-ni.

Bên cạnh đó, chiến dịch này giúp ông Ô-lăng-đơ ghi điểm trong mắt người dân Pháp. Đó là một “tổng thống bình dân” rất cứng rắn và quyết liệt trong mọi vấn đề của quốc gia chứ không “mềm yếu”, “thiếu quyết đoán” như phe đối lập thường cáo buộc. Với việc tiến hành chiến dịch “Mèo rừng sa mạc”, ông Ô-lăng-đơ đã hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi những vấn đề nổi cộm ở trong nước như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, những tranh cãi về đánh thuế nhằm vào tầng lớp trung lưu… Nói cách khác, chiến dịch “Mèo rừng sa mạc” đang mang lại lợi ích cho nước Pháp và cá nhân Tổng thống Ô-lăng-đơ.

Dù nắm bắt nhiều cơ hội nhưng việc can dự quân sự vào Ma-li cũng đang đẩy nước Pháp vào tình thế nguy hiểm khi phải đối mặt với những lời đe dọa khủng bố mà hậu quả nhãn tiền chính là vụ bắt cóc con tin ở An-giê-ri ngày 16-1 vừa qua.

Trong bối cảnh kinh tế Pháp đang gặp nhiều khó khăn, ngân sách thu hẹp, chính quyền và người dân trong nước phải chi tiêu dè xẻn, việc bỏ ra 8 triệu ơ-rô/tháng cho chi phí phát sinh từ việc duy trì 2.500 binh sĩ Pháp tại Ma-li là một khoản tiền không nhỏ. Càng kéo dài sự can dự quân sự ở Ma-li sẽ càng đè nặng lên các khoản ngân sách của quân đội Pháp và nó có thể vượt con số 1,2 tỷ ơ-rô mà Pháp đã bỏ ra để trang trải cho các chiến dịch quân sự ở Li-bi năm 2011. Người dân Pháp có thể ủng hộ chính phủ tiến hành một cuộc chiến vì lợi ích dân tộc nhưng không bằng lòng khi cuộc chiến đó ảnh hưởng tới “miếng cơm, manh áo” của họ.

Song, điều quan trọng nhất là sự ủng hộ quốc tế đối với Pháp rất yếu ớt về nhiều phương diện. Phương Tây và ngay cả Mỹ, đồng minh khá vững chắc, cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Pháp nửa vời. Mỹ đồng ý chi viện không quân nhưng không hùng hậu để Pháp có thể chế áp được lực lượng Hồi giáo cực đoan được trang bị vũ khí khá hiện đại và tổ chức chiến đấu rất bài bản.

Cho đến nay, sự can dự của Pháp ở Ma-li vẫn là một cuộc chiến dò dẫm, thiếu tính mục đích, thiếu một đối tác bền vững. Pháp muốn “đánh nhanh, diệt gọn” và sau đó thúc đẩy giải pháp chính trị cho Ma-li thông qua đàm phán giữa các bên. Thế nhưng, kể cả khi chiến dịch bình định quân nổi dậy kết thúc, Pa-ri còn có quá nhiều việc phải làm. Đó là củng cố khả năng điều hành cho Chính phủ Ma-li cũng như tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này. Pháp phải giúp Ma-li ổn định và phát triển trên mọi lĩnh vực, từ tài chính, hệ thống tư pháp, xã hội đến giúp người dân tái định cư... Nước Pháp có thể được ghi công vì muốn giúp khôi phục trật tự ở châu Phi, song cũng có thể bị coi là “thực dân mới” ở châu lục mà Pa-ri đang muốn xây dựng thành đối tác thương mại giàu tiềm năng.

Có thể trên phương diện và thời điểm nào đó, Pháp sẽ giành “chiến thắng” trước lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Ma-li nhưng đây là một tiến trình lâu dài, không thể diễn ra "một sớm, một chiều".

Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng tìm ra lối thoát khỏi cuộc phiêu lưu mạo hiểm, Pháp có thể lâm vào tình trạng sa lầy ở Ma-li như Mỹ đang nếm trải ở Áp-ga-ni-xtan./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com