Sau cam kết tiến hành trưng cầu ý dân về quy chế thành viên trong Liên hiệp châu Âu (EU) của Thủ tướng Ð.Ca-mơ-rôn, 40% số người Anh được hỏi lựa chọn rời EU. Tuy nhiên, trước khi đi đến bất cứ quyết định nào, Anh sẽ phải cân nhắc không ít vấn đề lợi hại.
Thủ tướng Ca-mơ-rôn thừa nhận, thời điểm tuyên bố sẽ trưng cầu ý dân vào cuối năm 2017 về quyết định Anh có rút khỏi EU hay không là "không thích hợp" đối với cả hai bên. Dư luận đánh giá, bước đi này của ông xuất phát từ việc phải chịu sức ép mạnh mẽ của nhóm "bài xích EU" ngay trong chính đảng của mình. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân Anh muốn rời khỏi EU. Cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) mà Anh không phải là thành viên, được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến Luân Ðôn gấp gáp đề nghị xem xét lại mối quan hệ với liên minh này. Hơn nữa, kinh tế nước Anh cũng không mấy khả quan. Cơ quan thống kê quốc gia (ONS) cho biết, nền kinh tế Anh đang tiến gần hơn đến nguy cơ suy thoái lần thứ ba chỉ trong vòng bốn năm và chính phủ nước này vẫn phải tiếp tục áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu công đến năm 2017.
Ngành công nghiệp ô-tô của Anh có thể gặp nhiều khó khăn nếu nước này rời EU. Ảnh hondaoto.net |
Trước mắt, rời khỏi EU sẽ giúp Anh nhanh chóng đạt được một số lợi ích, như tiết kiệm tám tỷ bảng Anh mỗi năm từ việc đóng góp vào ngân sách của liên minh; thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung giúp giảm giá thực phẩm; không gặp trở ngại từ những quy định về thị trường lao động và kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính... Nhưng không thể phủ nhận một thực tế quan hệ hiện nay giữa Anh và EU mang lại lợi ích cho cả hai bên. Ðứng ngoài EU đồng nghĩa với việc nước này chịu thiệt hại không ít trên cả lĩnh vực kinh tế và chính trị. Về kinh tế, EU là đối tác thương mại lớn, mỗi năm tiêu thụ gần 50% lượng hàng hóa xuất khẩu của Anh. Thay đổi cơ cấu quan hệ giữa Anh và EU có thể khiến kim ngạch xuất khẩu của Anh sang "lục địa già" giảm mạnh, đẩy nước này vào suy thoái. Ngoài ra, nông dân Anh sẽ để tuột mất hàng tỷ tiền trợ giá của EU. Các doanh nghiệp thuộc hai ngành kinh tế lớn của nước này là sản xuất máy bay và ô-tô, phải đóng thuế nhập khẩu cao nếu muốn tiêu thụ sản phẩm tại thị trường EU. Chính vì vậy, giới doanh nhân và tài chính Anh không mặn mà với kịch bản Anh rời khỏi EU, một thị trường quan trọng với 500 triệu dân. Mặt khác, nhiều chuyên gia nhận định, đứng ngoài EU, tiếng nói của Luân Ðôn trên trường quốc tế có thể bị giảm sút không ít.
Trên thực tế, dù là thành viên của EU từ năm 1973 nhưng Anh không gia nhập Eurozone. Ðây cũng không phải lần đầu có hay không việc tiếp tục là một phần của EU trở thành chủ đề gây tranh cãi tại "xứ sở sương mù". Năm 1975, nước này từng trưng cầu ý dân về vấn đề trên và giành được một số nhượng bộ từ EU. Khoảng cách giữa Anh và EU càng nới rộng khi xảy ra những bất đồng liên quan đến cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Nhiều nước thành viên không đồng tình đề xuất của Anh về việc cắt giảm mạnh ngân sách liên minh trong bối cảnh khủng hoảng. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến những người có tâm lý hoài nghi ở Anh cho rằng, Luân Ðôn nên rút khỏi EU nếu các quốc gia khác không chấp nhận nới lỏng quy chế thành viên theo hướng tăng thêm quyền tự chủ và giảm bớt sự ràng buộc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, tham vọng này của Anh khó đạt được khi, khả năng thương lượng chỉnh sửa Hiệp ước Li-xbon không cao và nếu được thực hiện, có thể trở thành một tiền lệ nguy hiểm. Ðức, thành viên trụ cột trong EU khẳng định, chính phủ nước này mong muốn cải cách mạnh mẽ khối này sau hậu quả của cuộc khủng hoảng nhưng theo hướng tăng cường hội nhập hơn nữa; đồng thời nhấn mạnh, EU là một "cộng đồng cùng chung số phận" chứ không chỉ là "một tập hợp những lợi ích quốc gia". Mỹ, một đồng minh gần gũi của Anh cũng bày tỏ quan ngại và lên tiếng khẳng định mong muốn Anh tiếp tục ở lại và giữ một tiếng nói mạnh mẽ trong khối.
Rõ ràng, sự lựa chọn đi hay ở của Anh không chỉ tác động đến nước này mà cả EU và thế giới. Những ảnh hưởng không nhỏ trên nhiều mặt kinh tế, xã hội và chính trị là những khía cạnh người dân "xứ sở sương mù" phải cân nhắc kỹ trước khi tiến tới một quyết định có tầm ảnh hưởng lớn tới tương lai của đất nước.
Theo nhandan.com.vn