Tuyên bố của Thủ tướng Anh David Cameron về tổ chức trưng cầu dân ý xung quanh việc Anh có nên rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không đang đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng nội bộ. Theo báo chí Anh, chính trường xứ sở sương mù hiện đang lâm vào cảnh mâu thuẫn, chia bè kết đảng. Có hai phe, một ủng hộ tuyên bố của ông David Cameron, phe còn lại phản đối kịch liệt. Đứng đầu nhóm phản đối là Bộ trưởng Kenneth Clarke. Trong bài phát biểu đưa ra ngày 31-1, ông Kenneth Clarke đã cảnh báo rằng, việc Anh rút khỏi EU sẽ là một sai lầm lớn, đẩy nước này vào cảnh nguy khốn về kinh tế. Với lập luận rằng Anh là một phần quan trọng của thị trường EU gồm 500 triệu người, ông Kenneth Clarke đã kêu gọi EU cải cách và Anh xem xét lại những hoạt động của mình với liên minh này. Cùng với một số chính khách khác trong đó có cựu Ủy viên EU đồng thời là nhân vật có nhiều ảnh hưởng trong Công đảng đối lập Peter Maldelson và Thứ trưởng Tài chính Danny Alexander thuộc đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền với đảng Bảo thủ, Bộ trưởng Kenneth Clarke đã tham gia thành lập nhóm vận động duy trì vị trí của Anh trong EU.
Chính trường Anh đang bất đồng về ý tưởng trưng cầu dân ý về việc Anh có nên ở lại EU hay không. Ảnh: Internet |
Trong thông báo của mình, nhóm này cho biết đang triệu tập một "đội quân" gồm những người chống lại tâm lý hoài nghi EU và mong muốn thúc đẩy chương trình cải cách và tăng trưởng vì lợi ích quốc gia của Anh. Tại buổi lễ ra mắt nhóm vận động, ông Danny Alexander đã tuyên bố, kế hoạch trưng cầu dân ý của ông David Cameron là "vô lý"… Những chính khách này đều cho rằng, chính phủ Anh có thể đưa ra một sự lựa chọn có sức thuyết phục hơn: Nếu tiếp tục duy trì vị trí trung tâm trong EU, nước Anh sẽ hùng mạnh, có ảnh hưởng ở châu Âu, có ảnh hưởng nhiều hơn trên thế giới và sẽ mạnh hơn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Còn nếu rời xa EU, Anh sẽ bị cô lập và mất đi một thị trường rộng lớn. Chưa hết, nông dân Anh cũng sẽ bị mất đi hàng tỷ USD tiền trợ thuế nông nghiệp một khi Anh không còn nằm trong thị trường chung châu Âu. Hàng hóa Anh khi đó vào thị trường EU sẽ bị đánh thuế ở mức cao. Và đương nhiên là không ai trong giới doanh nhân và tài chính Anh lại muốn điều này bởi chỉ khi Anh vẫn là thành viên của EU thì cánh cửa mở ra thị trường châu Âu đón các nhà đầu tư quốc tế mới được rộng mở. Hôm 30-1, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn quảng cáo và truyền thông WPP Martin Sorell cùng nhiều doanh nhân nổi tiếng của Anh như Tổng Giám đốc Tập đoàn Diageo Paul Walsh, Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán London Xavier Rolet… cũng đã gửi thư ngỏ tới Thủ tướng David Cameron, kêu gọi để Anh ở lại EU.
Trước đó, hôm 26-1, tại diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, Thủ tướng Anh đã tuyên bố, nếu đảng ông thắng trong cuộc bầu cử kế tiếp, ông sẽ tái thương thuyết các điều kiện của tư cách hội viên của Anh trong EU và yêu cầu dân chúng nước Anh bỏ phiếu về việc này. Lý do mà ông David Cameron đưa ra là vì sự bất mãn của công chúng ở Anh đối với EU “đang ở mức cao hơn bao giờ hết”. Giới quan sát nhận định, cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên rút khỏi EU hay không là một đòn chính trị táo bạo nhất từ trước đến nay của Thủ tướng Anh. Nhưng nếu muốn vậy, trước hết, ông David Cameron phải tái đắc cử vào năm 2015. Hiện Công đảng đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Bên cạnh đó, đảng Bảo thủ của ông David Cameron cũng đang vấp phải thành công ngày càng lớn của UKIP, một đảng có lập trường chống châu Âu quyết liệt. Do đó, với đề nghị trưng cầu dân ý nói trên, Thủ tướng Anh đang có một canh bạc lớn cho sự nghiệp chính trị của chính mình./.
Theo: CAND