Trong khi dư luận thế giới đang đổ dồn sự chú ý về vụ nổ thiên thạch tại Trê-ly-a-bin, thuộc khu vực U-ran, miền Trung nước Nga ngày 15-2 vừa qua, Phó thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Rô-gô-din đã đưa ra đề xuất xây dựng một hệ thống phòng vệ chung của Trái Đất nhằm đối phó với những mối đe dọa từ vũ trụ.
Đề xuất vừa là một cảnh báo, vừa là lời kêu gọi các quốc gia trên khắp thế giới cùng nỗ lực tìm giải pháp cho những hiểm họa tiềm tàng từ vũ trụ trong tương lai.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, thiên thạch rơi xuống khu vực U-ran của Nga, có đường kính gần 15m và nặng khoảng 7.000 tấn, đã lao vào khí quyển với vận tốc 64.000km/giờ và phát nổ ở độ cao 19-24km so với mặt đất. Với sức công phá vào khoảng 300 ki-lô-tôn, tương đương với 20 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hi-rô-xi-ma của Nhật Bản năm 1945, vụ nổ đã khiến khoảng 1.200 người tại khu vực U-ran bị thương, trong đó có hơn 200 trẻ em, làm hư hại khoảng 4.000 ngôi nhà. Ước tính vụ nổ thiên thạch vừa qua gây thiệt hại cho Nga khoảng 1 tỷ rúp và con số này có thể tiếp tục tăng.
Giới khoa học Nga cho biết, trong hai thế kỷ XIX và XX, trên thế giới và ở Nga đã có hàng trăm lần mưa thiên thạch, nhưng thường xảy ra vào ban đêm và không gây thiệt hại lớn về người và của. Vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong lịch sử nhân loại được ghi nhận vào năm 1908 tại khu vực Xi-bê-ri của Nga. Các chuyên gia cũng cho hay, các khối thiên thạch nhỏ rơi xuống Trái Đất 5-10 lần/năm, nhưng khả năng xảy ra một vụ nổ thiên thạch như ở Nga mới đây là rất hiếm hoi.
Nhiều ngôi nhà bị phá hủy sau trận mưa thiên thạch tại Nga. Ảnh: TTXVN |
Nỗi lo về “thảm họa thiên thạch” càng lan rộng bởi chỉ vài giờ sau vụ nổ thiên thạch ở Nga, AP đưa tin nhiều cư dân ở bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ) đã nhìn thấy một tia sáng bất thường trên khu vực vịnh Xan Phran-xi-xcô. Truyền thông Cu-ba ngày 16-2 cũng đưa tin, nước này dường như đã trải qua một sự kiện tương tự như trận mưa thiên thạch trên bầu trời nước Nga hôm 15-2, khi những người dân hoảng hốt theo dõi một luồng ánh sáng mạnh trên bầu trời kèm theo một tiếng nổ lớn làm rung chuyển các cửa sổ và tường nhà. Trang mạng CubaSi đăng tải một đoạn video của Đài truyền hình quốc gia Cu-ba, trong đó nhiều cư dân tại thành phố Rô-đát ở miền Trung Cu-ba nói rằng, vụ nổ gây "kinh thiên động địa". Nhà chức trách Cu-ba hiện đang tìm kiếm các mảnh thiên thạch có thể đã rơi xuống Trái Đất.
Có thể nói, vụ nổ thiên thạch ngày 15-2 đã reo rắc sự sợ hãi lên toàn bộ khu vực U-ran của Nga. Nhiều người trên khắp thế giới theo dõi sự kiện qua truyền hình hay internet cũng không khỏi bàng hoàng và tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu những thiên thạch đó rơi vào các khu vực dân cư đông đúc?
Tại Nga, công tác khắc phục hậu quả vụ nổ thiên thạch với sự tham gia của đông đảo lực lượng cứu hộ và quân đội vẫn đang được tiến hành. Hàng loạt trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới cũng đang ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu vụ việc.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là mặc dù những thiên thạch có kích cỡ lớn đều đã được theo dõi bởi các tổ chức thiên văn trên thế giới, các thiên thạch nhỏ giống như thiên thạch rơi ở U-ran lại khó có thể được nhận thấy thông qua các thiết bị theo dõi hiện có. Nói cách khác, những ứng dụng về công nghệ hiện nay chưa đủ khả năng phát hiện toàn bộ những hiểm họa tiềm tàng từ vũ trụ.
Cho dù một thiên thạch nhỏ không đủ sức tạo ra một thảm họa hủy diệt toàn cầu, nhưng nó vẫn đủ để quét sạch cả một thành phố nếu va chạm trực tiếp.
Đó cũng chính là lý do tại sao đề xuất của Phó thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Rô-gô-din xứng đáng nhận được sự quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Cứ theo những gì ông Đ. Rô-gô-din viết trên mạng xã hội Twitter thì "nhân loại cần phải xây dựng một hệ thống nhằm phát hiện và vô hiệu hóa những vật thể gây nguy hiểm cho Trái Đất". Ông cũng cho biết sẽ đề xuất với Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép cách thức ứng phó với những hiện tượng tương tự trong tương lai.
Các chuyên gia Nga cũng tỏ ý ủng hộ việc xây dựng một hệ thống giám sát và cảnh báo các mối đe dọa chung từ vũ trụ. Ông Vi-ta-li Đa-vi-đốp, Phó giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga cho rằng, chiến lược phòng thủ hành tinh cần phải được ưu tiên hàng đầu đối với Nga. Ông V. Đa-vi-đốp cũng đồng thời kêu gọi xây dựng chương trình liên bang đặc biệt về vô hiệu hóa các mối đe dọa vũ trụ.
Được biết, Cty Tên lửa và Vũ trụ Energia của Nga cũng đã cam kết sẽ chế tạo tên lửa vũ trụ có khả năng phá hủy các hành tinh nhỏ đe dọa Trái Đất.
Với những gì đã được chứng kiến trong vài ngày qua, chắc chắn giờ đây nhiều người trên khắp thế giới sẽ có chung nhận thức rằng, sẽ là hợp lý hơn nếu các quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác nghiên cứu và đối phó với những hiểm họa khó lường từ vũ trụ, thay vì cứ tiếp tục lãng phí nhân tài vật lực cho các cuộc chạy đua và xung đột vũ trang./.
Theo: qdnd.vn