Lo ngại đe dọa khủng bố gia tăng từ cuộc chiến Ma-li

09:02, 07/02/2013
Lực lượng do Pháp dẫn đầu đã giúp quân đội Chính phủ Ma-li giành lại quyền kiểm soát nhiều thị trấn chiến lược ở miền bắc từ tay quân Hồi giáo nổi dậy. Tuy nhiên, với một địa hình hiểm trở, nhiều sa mạc và thành phần phức tạp của các phần tử Hồi giáo, để đi đến thắng lợi hoàn toàn, cuộc chiến có thể  kéo dài hơn dự đoán bởi đe dọa  khủng bố bao trùm khắp khu vực.
 Lực lượng Pháp tiến vào TP Tim-búc-tu, miền bắc Ma-li.
Lực lượng Pháp tiến vào TP Tim-búc-tu, miền bắc Ma-li.

Giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy người Tua-rếch bùng nổ ở miền bắc Ma-li từ tháng 1-2012. Sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 3-2012, lợi dụng tình trạng bất ổn, các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khu vực này gia tăng hoạt động chống chính phủ và nắm quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở phía bắc. Sự tung hoành của các nhóm vũ trang, bất ổn chính trị đẩy Ma-li vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hàng trăm nghìn người mất nhà ở. Trước nguy cơ lực lượng nổi dậy Hồi giáo đánh chiếm và thâu tóm toàn bộ lãnh thổ Ma-li, chính phủ nước này đã phải cầu viện sự trợ giúp quân sự từ Pháp. Sau những lời kêu gọi liên tiếp của Tổng thống Ma-li Ð.Trao-rê, Pháp đã quyết định đưa quân can thiệp hỗ trợ quân đội Ma-li.

Sự can thiệp của quân đội Pháp đã giúp quân đội Ma-li nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực ở miền bắc, đồng thời chặn bước tiến của lực lượng Hồi giáo nổi dậy từ miền bắc hướng về Thủ đô Ba-ma-cô ở miền nam. Tuy nhiên, diễn biến tình hình Ma-li càng phức tạp sau khi xảy ra vụ thảm sát con tin ở An-giê-ri khi những kẻ khủng bố tuyên bố đây là hành động trả đũa việc Pháp can thiệp Ma-li. Cuộc khủng hoảng con tin này gây chấn động toàn phương Tây, các quốc gia luôn nằm trong tầm ngắm của các tay súng khủng bố. Phương Tây hoang mang trước nguy cơ khủng bố lợi dụng tình hình bất ổn ở Ma-li để mở rộng chi nhánh và gia tăng hoạt động ở khu vực Xa-ha-ra rộng lớn.

Trước mối đe dọa đó, dù không muốn, các nước phương Tây cũng buộc phải nhập cuộc ở các mức độ khác nhau. Mỹ cam kết tham gia các hoạt động truy quét khủng bố ở khu vực Bắc Phi. Ðây cũng là lý do mà nhiều nước phương Tây khác, dù còn dè dặt, song cũng tham gia hỗ trợ quân đội Pháp.  Mỹ đưa máy bay quân sự vận chuyển binh sĩ Pháp và trang thiết bị từ Pháp tới Ma-li. Oa-sinh-tơn còn sẵn sàng điều động hạm đội lớn gồm các tàu tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu của Pháp. I-ta-li-a, Bỉ, Anh, Ca-na-đa, Ðan Mạch, Hà Lan, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cũng cho máy bay vận tải hoặc máy bay lên thẳng tới Ma-li để hỗ trợ việc di chuyển của lực lượng Pháp và châu Phi. Một số nước đưa binh sĩ tới tham gia huấn luyện quân đội Ma-li. Phản ứng trước cuộc xung đột ở Ma-li, Liên minh châu Phi (AU) thừa nhận đã hành động chậm chạp. Ðể khỏi "mất mặt", Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) mới đây quyết định huy động 5.700 binh sĩ tới Ma-li, trong khi CH Sát, nước không phải thành viên ECOWAS, cũng cam kết đóng góp hai nghìn binh sĩ nhằm tăng cường cho chiến dịch do Pháp chỉ huy ở Ma-li.

Theo thống kê của LHQ, kể từ khi chiến dịch quân sự của Pháp bắt đầu triển khai ở Ma-li, 9.000 người dân nước Tây Phi này phải chạy tị nạn và 230 nghìn người mất nhà ở. Hiện LHQ đang triển khai một chiến dịch nhân đạo lớn tại khu vực Xa-hen trải rộng qua các vùng lãnh thổ miền bắc Xê-nê-gan, nam Mô-ri-ta-ni,  trung Ma-li, nam An-giê-ri và Ni-giê,  trung CH Sát, miền nam Xu-đăng, miền bắc CH Nam Xu-đăng và Ê-ri-tơ-ri-a. Cuộc khủng hoảng ở Ma-li gây ảnh hưởng sâu rộng khu vực Tây Phi và vùng Xa-hen, làm trầm trọng thêm nguy cơ bất ổn ở khu vực.

Theo các nhà phân tích, với vị trí địa lý ở vùng Xa-hen rộng lớn và tiếp giáp nhiều nước, cuộc khủng hoảng ở Ma-li sẽ diễn biến phức tạp và có thể sẽ không còn là một cuộc chiến hạn chế về thời gian và không gian. Quân đội Pháp có thể sẽ còn phải đối mặt cuộc leo thang xung đột kéo dài. Ðịa hình núi non và sa mạc sẽ giúp lực lượng Hồi giáo cực đoan tìm được nơi trú ẩn an toàn và mối quan hệ của lực lượng này với An Kê-đa sẽ khiến cuộc chiến Ma-li cũng như cuộc chiến chống khủng bố của phương Tây gặp nhiều khó khăn và  diễn biến khó lường.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com