Hé mở hy vọng trước thềm đàm phán hạt nhân I-ran

10:02, 15/02/2013

Theo dự kiến, cuộc đàm phán hạt nhân giữa I-ran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran sẽ diễn ra vào ngày 26-2 tới tại Ca-dắc-xtan. Cuộc đàm phán lần này được trông đợi đạt kết quả khả quan hơn, hoặc ít ra sẽ không đi vào vết xe đổ của các vòng đàm phán thất bại trước đây...

Khu quân sự Pa-chin của I-ran. Ảnh: Roi-tơ

Khu quân sự Pa-chin của I-ran. Ảnh: Roi-tơ

Bởi lẽ, bối cảnh diễn ra cuộc đàm phán đã khác nhiều so với trước. Nếu trước đây, I-ran thường đưa ra những tuyên bố đầy thách thức về các thành tích hạt nhân trước thế giới thì giai đoạn gần đây, quốc gia Hồi giáo đã “giảm tông” hơn rất nhiều. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có vẻ như I-ran đang ngày càng ngấm đòn cấm vận của cộng đồng quốc tế nên hy vọng quốc gia Hồi giáo sẽ có những động thái mềm mỏng hơn để bảo đảm những lợi ích kinh tế.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ của I-ran giảm 40 tỷ USD trong năm ngoái trong bối cảnh sản lượng dầu mỏ tháng trước của nước này tụt xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua. Theo IEA, sản lượng dầu của I-ran trong tháng 1 vừa qua đã giảm xuống còn 2,65 triệu thùng/ngày so với mức 3,7 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2011, trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực.

Ngay trước thềm đàm phán I-ran với nhóm P5+1, I-ran tuyên bố đã đồng ý với “một số điểm mới” trong cuộc đàm phán tại Tê-hê-ran vừa qua với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Mặc dù các chi tiết về những điểm mới này không được nêu rõ, nhưng phía I-ran khẳng định “một số bất đồng đã được giải quyết”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao I-ran Ra-min Mê-man-pa-rát (Ramin Mehmanparast) cho biết, I-ran sẵn sàng đi tới một thỏa thuận toàn diện với IAEA nếu quyền về hạt nhân của Tê-hê-ran được công nhận. Một phần của thỏa thuận này có thể bao gồm cho phép IAEA được tới thăm khu quân sự Pa-chin của I-ran. Khu quân sự này của I-ran bị tình nghi được sử dụng làm nơi tiến hành các vụ thử hạt nhân để chế tạo vũ khí nguyên tử.

Trong khi đó, phát biểu tại Tê-hê-ran, Trưởng phái đoàn IAEA, Phó tổng giám đốc IAEA Héc-man Nác-ca-ét (Herman Nackaerts) bày tỏ hy vọng IAEA sẽ hoàn tất “một tài liệu tiếp cận mang tính cơ cấu”, theo đó sẽ cho phép tiến hành điều tra nỗ lực hạt nhân của I-ran về quy mô quân sự. 

Đó có thể coi là một tín hiệu tích cực góp phần tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán giữa I-ran với nhóm P5+1. Bởi trong hai cuộc họp trước đó vào tháng 12-2012 và tháng 1-2013, IAEA và I-ran không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Cuộc đàm phán mới của I-ran với nhóm P5+1 đã góp phần làm giảm bớt mối lo ngại về khả năng Mỹ sẽ có những động thái quân sự chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo. Chỉ mấy tháng trước đây, vào năm 2012, khi phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế với I-ran và được đáp trả bằng lời đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hoóc-mút, thế giới đã chìm trong mối lo ngại Mỹ sẽ có các hành động quân sự chống lại I-ran. Báo chí đã liên tục đăng các tin tức về hoạt động của tàu chiến Mỹ ở khu vực cùng các hành động điều tàu khu trục tới vùng biển gần eo biển Hoóc-mút…

Gần đây, giới chuyên gia cũng đã đánh giá giảm nhẹ mối đe dọa hạt nhân từ I-ran. Bởi trên thực tế, chương trình chế tạo tên lửa của I-ran đạt được những tiến bộ chậm hơn dự kiến. Theo đánh giá của Hiệp hội kiểm soát vũ khí (AAC), tên lửa tầm xa của I-ran đã không đạt được tầm bắn xa như trông đợi vào năm 2012. Năm 2012, I-ran không tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa nào, mặc dù I-ran vẫn tuyên bố đạt tiến bộ trong việc chế tạo tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Đặc biệt, I-ran cũng có những động thái cho thấy có sự hạn chế hơn trong việc phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình bị cáo buộc là nhằm chế tạo bom nguyên tử. Hôm 12-2, I-ran thừa nhận đã chuyển đổi một lượng u-ra-ni-um được làm giàu ở mức độ 20% thành nhiên liệu phản ứng. Việc này sẽ làm chậm sự phát triển của kho nhiên liệu hạt nhân của I-ran vẫn bị phương Tây lo ngại Tê-hê-ran sẽ sử dụng để chế tạo bom hạt nhân.

Trong khi đó, “cuộc chiến bí mật” chống lại Nhà nước Hồi giáo được cho là do Mỹ và I-xra-en khởi xướng cũng không còn quyết liệt như trước đây. Theo đánh giá, số vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của I-ran, các vụ nổ khó hiểu ở I-ran, hoạt động gián điệp, tấn công mạng chống lại I-ran như vụ Xtuxnet… đã giảm hơn trong những tháng gần đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những diễn biến trên đã góp phần mở rộng hơn cánh cửa cho giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt những tranh cãi kéo dài xung quanh chương trình hạt nhân của I-ran.

Đáng chú ý hơn, sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mới đây, I-ran đã bày tỏ những phản ứng khiến phương Tây phải hài lòng. Từ Tê-hê-ran, phát ngôn viên của Ngoại trưởng I-ran đã khẳng định: “Chúng ta cần đạt tới một điểm mà không có nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân” và nhấn mạnh thêm rằng các nước nên sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Hy vọng lập trường này của I-ran sẽ giúp các bên xích lại gần nhau hơn trong cuộc đàm phán ngày 26-2 sắp tới tại Ca-dắc-xtan và cùng nắm lấy cơ hội hợp tác vì hòa bình.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com