Vừa qua, nhiều hãng tin lớn của thế giới đồng loạt đưa tin, Chủ tịch Tập đoàn Google - trang công cụ tìm kiếm thông dụng nhất hành tinh, Ê-rích Xmít sắp thăm CHDCND Triều Tiên. Ngay lập tức dư luận đã đồn đoán “búa xua” về mục đích của chuyến thăm này, trong đó được nhắc tới nhiều nhất phải kể tới việc Google quan tâm tới tiềm năng thị trường internet của Triều Tiên.
Cùng đi với nhà tài phiệt này còn có cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Bin Ri-chớt-xơn. Mục đích cũng như chương trình nghị sự của chuyến đi đều không được tiết lộ. Chỉ biết rằng, theo thông báo từ văn phòng của ông Bin Ri-chớt-xơn hôm 5-1, chuyến thăm có thể sẽ diễn ra trong tuần này. Ngay cả bản thân người phát ngôn Tập đoàn Google Xa-man-tha Xmít cũng từ chối đưa ra bình luận vì đây là chuyến đi mang “tính chất cá nhân”. Chính những thông tin còn “úp mở” kiểu như vậy đã tạo ra một “vòng xoáy” những đồn đoán “bủa vây” quanh chuyến thăm này.
Thông tin về chuyến thăm xuất hiện trong bối cảnh Bình Nhưỡng mới đây xác nhận bắt giữ một công dân Mỹ gốc Hàn vì bị buộc tội chống phá nhà nước Triều Tiên. Thêm vào đó, chuyến thăm còn có sự tham gia của cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Bin Ri-chớt-xơn, một người được cho là “am hiểu” Triều Tiên vì đã sang Bình Nhưỡng nhiều lần trong 20 năm qua và tham gia vào các cuộc thương lượng giúp phóng thích những công dân Mỹ bị bắt giữ tại đây. Chính vì lẽ đó mà có ý kiến cho rằng mục đích của chuyến thăm là liên quan đến vấn đề bắt giữ công dân Mỹ. Bình Nhưỡng trong quá khứ từng đồng ý giao trả những người bị bắt giữ sau khi các đoàn đại biểu cấp cao của Mỹ như cựu Tổng thống Bin Clin-tơn sang Triều Tiên thương lượng và điều đó càng khiến nhiều ý kiến tập trung vào mục đích này.
Chủ tịch Tập đoàn Google, Ê-rích Xmít sắp thăm CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Roi-tơ |
Dù vậy, nhiều nhà bình luận lại cho rằng thực chất là Google đang quan tâm tới tiềm năng thị trường internet của Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Châng Un lên lãnh đạo đất nước. Trong thông điệp năm mới ngày 1-1-2013, ông Kim Châng Un đã kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp thời hiện đại. Một trong những mục tiêu được nêu ra là trang bị máy tính cho tất cả các trường học cũng như máy móc kỹ thuật số cho tất cả các nhà máy. Vì vậy, một số nhà phân tích cho rằng chuyến thăm mang nhiều lý do chiến lược kinh tế hơn. “Tôi nghĩ đây là một phần trong tầm nhìn dài hạn của Google trong việc quảng bá internet với thế giới, và Triều Tiên chính là một điểm đến”, Pi-tơ Béc thuộc tổ chức phi chính phủ Asia Foundation tại Hàn Quốc nhận định. Đồng quan điểm này, chuyên gia Vích-to Cha tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, nếu như Google ký được thỏa thuận mở rộng internet với chính phủ Triều Tiên thì đây sẽ là “một bước phát triển đáng quan tâm”.
Sau khi thông tin ông Ê-rích thăm Triều Tiên “bung” ra, Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ chuyến thăm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vích-to-ri-a Nu-lan nói: “Chúng tôi cho rằng thời điểm chuyến thăm đặc biệt không thích hợp trong lúc này”. Theo hãng tin Roi-tơ, cái lập luận “không thích hợp” ở đây ám chỉ bối cảnh CHDCND Triều Tiên vừa thực hiện thành công vụ phóng vệ tinh hôm 12-12-2012. Vụ phóng này bị phía Mỹ đưa ra cáo buộc là một vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo với tầm bắn có khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Ngoài ra, bà Nu-lan nhấn mạnh chuyến đi của ông Ri-chớt-xơn và Xmít không phải đại diện cho chính phủ Mỹ. Thậm chí khi được hỏi Mỹ có hài lòng nếu Google giúp Triều Tiên xây dựng cơ sở hạ tầng internet, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói “toẹt” ra rằng tất cả các Cty Mỹ phải tuân thủ các lệnh cấm vận mà chính quyền Mỹ đang áp đặt với Triều Tiên.
Như vậy, hiện tại có hai luồng ý kiến xoay quanh chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Google, một là liên quan đến việc công dân Mỹ gốc Hàn bị bắt giữ tại Triều Tiên và một là mục đích phát triển kinh doanh. Xét cho cùng, tin đồn thì vẫn chỉ là tin đồn và chỉ có người trong cuộc mới thực sự biết rõ mục đích cho hành động của mình. Dù vậy, chuyện một nhà tài phiệt như ông chủ Tập đoàn Google lần đầu tiên “bỗng dưng” lại muốn đến thăm Triều Tiên, nếu có vì mục đích chiến lược kinh doanh lâu dài thì cũng không có gì là khó hiểu. Giờ đây, chỉ thực sự khi nào chuyến thăm diễn ra thì mới có thể biết được câu trả lời chính xác cho mọi sự đồn đoán hiện nay./.
Theo: qdnd.vn