Xung quanh sự can thiệp quân sự của Pháp vào Ma-li

09:01, 15/01/2013

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lơ Đri-ăng ngày 13-1 cho biết, nước này vẫn đang tiếp tục không kích lực lượng Hồi giáo vũ trang Ansar Dine tại phía Bắc Ma-li. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ đã chỉ thị nâng mức báo động khủng bố trong nước lên màu đỏ, đồng thời ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh tại các tòa nhà công cộng và hệ thống giao thông sau khi nhận được lời đe dọa trả đũa từ lực lượng phiến quân.

Trước đó, hôm 11-1, Tổng thống Pháp  Ph. Ô-lăng-đơ xác nhận, nước này đã tham chiến tại Ma-li để ngăn chặn lực lượng khủng bố ở phía Nam, bảo vệ nhà nước Ma-li theo lời kêu gọi từ Ba-ma-kô của Tổng thống tạm quyền Đ. Trao-rê. Quyết định của Tổng thống Pháp được cho là bất ngờ, vì mới gần đây ông Ô-lăng-đơ, cũng như các quốc gia khác trong khối EU, chỉ nói đến việc trợ giúp huấn luyện và trang bị cho quân đội chính phủ Ma-li và để cho một lực lượng của các quốc gia châu Phi lo việc đối phó với phiến quân.

Ma-li từng là một trong những quốc gia ổn định nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, quốc gia Tây Phi này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tháng 3-2012, khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu A. Tu-rê. Tình trạng rối ren đã tạo cơ hội cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt Luật Hồi giáo Sharia. Nhưng lực lượng Tuareg sau đó đã bị các nhóm vũ trang Hồi giáo lật đổ. Hiện khu vực miền Bắc Ma-li đang dưới sự kiểm soát của các nhóm Ansar Dine và Phong trào vì thống nhất và Jihad ở Tây Phi (MUJAO), được sự hậu thuẫn của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại khu vực Bắc Phi Hồi giáo (AQIM).

Cuộc khủng hoảng ở Ma-li đã trở thành mối quan tâm an ninh đối với các chính phủ phương Tây, vốn lo ngại vùng sa mạc rộng lớn của nước này có thể biến thành một nơi huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan cũng như mở  rộng tầm ảnh hưởng của lực lượng Al- Qaeda có  trụ sở tại Y-ê-men, Xô-ma-li và Bắc Phi. Đứng trước tình hình đó, ngày 20-12-2012, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua kế hoạch triển khai một lực lượng can thiệp tới Ma-li nhằm giúp quân đội nước này giành lại phần lớn lãnh thổ đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.

Kế hoạch can thiệp quân sự của Pháp - "quốc mẫu" cũ của Ma-li, dù nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, hiện đang vấp phải nhiều lời chỉ trích. Các chuyên gia phân tích quân sự bày tỏ lo ngại về  kế hoạch này, cho rằng đây có thể chỉ là sự khởi đầu của một chiến dịch “lấy lại tầm ảnh hưởng” của khu vực vốn là thuộc địa của Pháp. Xa hơn nữa, nó được đánh giá là bước đi nhằm tái xây dựng "đế chế" của Pháp tại Lục địa đen trong bối cảnh sự cạnh tranh địa - chính trị tại khu vực này đang ngày càng trở nên khốc liệt giữa các cường quốc.

Quân Pháp tại một căn cứ quân sự ở Cộng hòa Sát lên máy bay để bay sang Ma-li. Ảnh: AFP
Quân Pháp tại một căn cứ quân sự ở Cộng hòa Sát lên máy bay để bay sang Ma-li. Ảnh: AFP

Trong khi đó, trang mạng Daily Marverick (Nam Phi) lại cho rằng, việc can thiệp quân sự vào Ma-li không phải là một ý tưởng hay. Bởi điều đó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và gây nên hiệu ứng lan tỏa không chỉ ảnh hưởng đến Ma-li mà còn đối với cả khu vực Sahel và lục địa châu Phi. Theo trang mạng này, những sự kiện bi kịch vừa qua tại Ma-li chỉ là một trong những hậu quả của cuộc nội chiến tại Li-bi và điều này chắc chắn sẽ được tái diễn. Còn Đặc phái viên của Liên bang Nga tại châu Phi M. Mác-ghê-lốp cảnh báo bất cứ chiến dịch quân sự nào tại đây cũng nên đặt dưới kế hoạch tiên phong của LHQ hoặc Liên minh châu Phi.

Dù vậy, đề cập đến những lo ngại này, Tổng thống Pháp Ô-lăng-đơ khẳng định, chiến dịch này không phục vụ bất cứ lợi ích nào của Pháp. Theo đó, mục tiêu của Pháp can thiệp vào Ma-li đó là hỗ trợ việc triển khai quân đội của các nước Tây Phi - kế hoạch đang nhận được sự ủng hộ  của LHQ, EU và Mỹ. Hơn nữa, việc các nhóm phiến quân tại Ma-li kiểm soát phía Bắc là mối đe dọa an ninh đối với châu Âu nên nước này quyết định tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho hay, các cuộc không kích ở Ma-li sẽ được tiếp tục cho đến khi lực lượng phiến quân Hồi giáo rút lui khỏi các khu vực đã chiếm đóng. Dưới sự yểm trợ của không lực Pháp, ngày 13-1, quân đội Ma-li đã tái chiếm được thị trấn Côn-na và tiêu diệt được hơn 100 phiến quân.
Trong khi quân đội Pháp “mải mê” viễn chinh ở châu Phi, Tổng thống Ô-lăng-đơ tại quê nhà đã chỉ thị cho Thủ tướng Giăng-Mác Ây-rôn nâng mức báo động khủng bố trong nước lên màu đỏ, đồng thời ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh tại các tòa nhà công cộng và hệ thống giao thông. Mệnh lệnh của Tổng thống Ô-lăng-đơ được đưa ra sau khi người phát ngôn của nhóm Hồi giáo Ansar Dine ở Ma-li đe dọa sẽ “trả đũa nước Pháp”, cảnh báo công dân Pháp trên khắp thế giới Hồi giáo sẽ gánh chịu hậu quả cho việc can thiệp quân sự vào Ma-li./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com