Trung Đông - Bắc Phi 2012: “Mùa xuân” không hoa thơm và trái ngọt

09:01, 02/01/2013

Trung Đông và Bắc Phi tiếp tục trải qua một năm đầy những biến động và âu lo từ sau cơn “địa chấn” chính trị gây hiệu ứng sụp đổ chính phủ ở một loạt quốc gia thuộc hai khu vực. Hai năm đã trôi qua kể từ khi phong trào biểu tình lật đổ chính phủ khởi phát từ Tuy-ni-di quét qua Ai Cập, Li-bi, Y-ê-men, những nước này vẫn chìm trong bất ổn, chia rẽ, mâu thuẫn bè phái, sắc tộc sâu sắc. Chưa kể nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao…, khiến người dân ngày càng thất vọng với những gì gọi là “thành quả” của phong trào tạo ra sự thay đổi. Còn cái gọi là dân chủ - phần thưởng hứa hẹn của phương Tây vốn bị cáo buộc đứng đằng sau tiếp tay cho các cuộc biểu tình, xem ra chỉ là chiếc bánh vẽ.

Nói như các nhà phân tích: “Vị thần bất mãn đã được “xổ lồng” bởi phong trào “mùa xuân A-rập và không dễ nhốt trở lại trong chai”. Người dân lại đổ ra đường biểu tình đòi loại bỏ chính phủ mới do chính họ lập nên sau khi lật đổ chế độ cũ mà họ cho là độc tài, tham nhũng. Vì họ cho rằng chính phủ mới thân phương Tây không bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, không tạo nên được sự thay đổi tích cực nào. Nguy hại hơn, họ thấy ở chính phủ mới bóng dáng của chính quyền bị lật đổ trước đây với những “căn bệnh” mà chính vì thế mới bị lật đổ.

Và chính những người làm nên cơn “địa chấn” chính trị năm nào đã quay ra đối đầu nhau để bảo vệ công bằng và dân chủ - những thứ mà họ coi là giá trị đích thực của “mùa xuân A-rập”. Nghịch lý này đang tạo ra một cục diện đầy hỗn loạn ở cả hai khu vực và sau hai năm, Trung Đông, Bắc Phi vẫn tiếp tục là tâm điểm chú ý của thế giới.

Đám đông ủng hộ Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi tập trung phía trước Đại học Cairo ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: AP
Đám đông ủng hộ Tổng thống Mô-ha-mét Mơ-xi tập trung phía trước Đại học Cairo ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: AP

Ai Cập là một trong những minh chứng rõ nhất cho cục diện rối loạn ở loạt nước Trung Đông và Bắc Phi hậu “mùa xuân A-rập”. Phe đối lập với chính quyền Ai Cập, vốn từng chung ý chí chống lại chính phủ của ông Mu-ba-rắc trước đây, đang đấu tranh quyết liệt để phản đối dự thảo hiến pháp mới của Tổng thống Mơ-xi vừa được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý. Các đường phố Ai Cập lại ngập tràn nỗi tức giận chống lại đương kim Tổng thống Mơ-xi sau khi ông thông báo sẽ nắm giữ các quyền theo hiến pháp mới mà nhiều người xem như sự trở lại của một chế độ trước đây. Cuộc đấu tranh này xem ra sẽ còn kéo dài đe dọa nghiêm trọng tới sự ổn định lâu dài trên đất nước của các pha-ra-ông.

Tại Tuy-ni-di, Li-bi, Y-ê-men tình hình cũng tồi tệ không kém khi những nước này cũng phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang, tranh giành quyền lực giữa các phe phái, trong khi kinh tế trì trệ và tham nhũng tràn lan.  

Ngoài nguyên nhân bởi những mâu thuẫn “thâm căn cố đế” của nội bộ các nước trong khu vực, tình trạng rối ren kéo dài hiện nay tại Trung Đông và Bắc Phi được cho là có phần đóng góp không nhỏ của sự can dự từ bên ngoài với những toan tính lợi ích khác nhau. Chiêu bài đem lại dân chủ của Oa-sinh-tơn cùng các đồng minh phương Tây cho khu vực sự thực chỉ là chiếc bình phong để họ thực thi chính sách can dự vào tình hình nội bộ của các nước trong khu vực nhằm phục vụ cho các lợi ích chiến lược về kinh tế và chính trị.

Rõ nhất là trường hợp Xy-ri - quốc gia mới nhất bị tác động bởi “mùa xuân A-rập”. Làn sóng chống chính phủ tuy chưa quật đổ được chính quyền Xy-ri của Tổng thống An Át-xát nhưng lại gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với tương lai của đất nước cũng như người dân Xy-ri. Tính đến nay, sau 21 tháng xung đột, đã có hơn 42.000 người thiệt mạng và khoảng 3 triệu người phải đi lánh nạn tại quốc gia này. Không có sự hậu thuẫn của Mỹ và các đồng minh, vốn đang quyết tâm lật đổ bằng được chính quyền của Tổng thống An Át-xát không hợp “khẩu vị”, phe đối lập ở Xy-ri khó có thể kéo dài cuộc chiến chống lại chính quyền lâu tới vậy. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có bất kỳ một giải pháp rốt ráo nào cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri bởi cộng đồng quốc tế chưa tìm được tiếng nói chung. Trong đó, bất đồng lớn nhất vẫn là do 3 nước có nhiều lợi ích ở Xy-ri là Mỹ, Nga và Trung Quốc dường như rất khó thống nhất được giải pháp cho Xy-ri. Bất ổn vì thế vẫn tiếp diễn dai dẳng ở Xy-ri, quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng cùng mối ràng buộc với nhiều quốc gia ở Trung Đông, và tiềm ẩn nguy cơ làm bùng phát bạo lực trên toàn khu vực.

Rõ ràng, hậu “mùa xuân A-rập” đã không đem lại “hoa thơm” và “trái ngọt” cho những người trong cuộc. Và cả những thế lực “đổ thêm dầu vào lửa” giấu mặt với nhiều toan tính lợi ích cũng chẳng gặt hái được gì. Trái lại cả hai đều đã và đang phải nếm phải “trái đắng”. Vụ tấn công vào tòa lãnh sự quán Mỹ tại Ben-ga-di làm Đại sứ Mỹ tại Li-bi cùng 3 người Mỹ thiệt mạng ngày 11-9-2012 chính là hệ lụy đau đớn mà nước Mỹ phải gánh chịu vì đã tham gia vào cuộc chiến lật đổ chính quyền ở Li-bi.

Mỹ và phương Tây hẳn sẽ không thể tiếp tục to tiếng như trước đây khi ca ngợi việc lật đổ chính phủ ở loạt nước Trung Đông và Bắc Phi là "thắng lợi của dân chủ", mở ra một tương lai tốt đẹp hơn. Hiện trạng rối loạn ở khu vực đã chứng minh điều ngược lại. Thay đổi chế độ chẳng những không mang lại điều gì tốt đẹp hơn cho người dân, mà còn kéo theo những hệ lụy khôn lường.

Hy vọng những nước có “thói quen” “xuất khẩu dân chủ” sẽ rút ra được bài học từ sự can thiệp vào tình hình nội bộ của nước khác bằng chiêu bài không mới mẻ này. Mọi việc của bất kỳ quốc gia nào đều phải do nội bộ đất nước đó giải quyết, không có chỗ cho sự can thiệp từ bên ngoài./.

Theo: qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com