Nhà nước Pa-le-xtin độc lập sớm ra đời ?

10:01, 22/01/2013

Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát đã ra sắc lệnh chính thức đổi tên chính quyền Pa-le-xtin thành Nhà nước Pa-le-xtin. Động thái này được coi là một bước tiến trong nỗ lực thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập vào năm 2013 như quyết tâm của Tổng thống Áp-bát, sau khi Pa-le-xtin được LHQ nâng quy chế thành Nhà nước quan sát phi thành viên.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của I-xra-en và Mỹ, hồi tháng 11-2012, Pa-le-xtin được Đại hội đồng LHQ công nhận là Nhà nước quan sát phi thành viên. Với quyết định này, người Pa-le-xtin có thể tham gia các cuộc thảo luận tại Đại hội đồng LHQ và có diễn đàn để nói lên nguyện vọng của mình. Người Pa-le-xtin sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các cơ quan của LHQ và Tòa án Hình sự quốc tế. Đối với người Pa-le-xtin, đây là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài và là nguồn động viên lớn để họ tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được nguyện vọng chính đáng thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Trên con đường thúc đẩy thực hiện nguyện vọng đó, Tổng thống Áp-bát đã ra sắc lệnh thay đổi chính quyền Pa-le-xtin thành Nhà nước Pa-le-xtin. Theo đó, mọi văn kiện chính thức, hộ chiếu, thẻ căn cước, giấy phép lái xe cấp mới và tem thư của Pa-le-xtin sẽ được đóng dấu Nhà nước Pa-le-xtin. Đây là động thái nhằm đề cao chủ quyền của Pa-le-xtin và là một bước tiến tới "nền độc lập thật sự".

Người Pa-le-xtin ăn mừng sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua quy chế nhà nước quan sát viên cho Pa-le-xtin.  Ảnh: Internet
Người Pa-le-xtin ăn mừng sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua quy chế nhà nước quan sát viên cho Pa-le-xtin. Ảnh: Internet

Từ việc công nhận trên tới việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập với các đường biên giới năm 1967, Thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem như nguyện vọng của người Pa-le-xtin vẫn là một con đường dài và đầy chông gai. Quy chế mới về Nhà nước Pa-le-xtin tại LHQ chưa phải là quy chế của một nhà nước hoàn toàn có chủ quyền. Quy chế này chỉ dành cho Pa-le-xtin quyền tiếp cận các cơ quan LHQ và các hiệp ước quốc tế, song không có quyền biểu quyết. Việc I-xra-en tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng cản trở các cuộc thương lượng giữa hai bên, trong khi đối với Pa-le-xtin, điều kiện để nối lại đàm phán là phải dựa vào Hiệp định Ô-xlô và I-xra-en ngừng xây dựng các khu định cư.

Ngay sau khi Pa-le-xtin được nâng cấp quy chế tại LHQ, I-xra-en đã tiến hành các biện pháp trả đũa. Ten A-víp đã thông báo dự án xây dựng 3.000 khu nhà định cư mới tại khu Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem, đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ chiếm đóng, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. I-xra-en còn thông báo phong tỏa tạm thời việc chuyển giao cho chính quyền Pa-le-xtin khoảng 92 triệu ơ-rô tiền thuế mà I-xra-en thu được. Nhiều năm qua, chịu sự phong tỏa của I-xra-en, nền kinh tế Pa-le-xtin gặp  khó khăn. Tất cả các sản phẩm nhập khẩu của Pa-le-xtin đều phải chuyển qua lãnh thổ I-xra-en, sau đó I-xra-en chuyển quyền thuế quan cho người Pa-le-xtin. Đây không phải là nguồn thu duy nhất, nhưng rất quan trọng đối với Pa-le-xtin, nếu bị phong tỏa sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Pa-le-xtin.

Một trong những điều quan trọng nhằm đạt mục tiêu thành lập Nhà nước Pa-le-xtin độc lập là phải thực hiện hòa giải và đoàn kết dân tộc ở Pa-le-xtin. Mối quan hệ căng thẳng giữa Phong trào Pha-ta (kiểm soát khu Bờ Tây) và Phong trào Ha-mát (kiểm soát dải Ga-da) từ năm 2007 đang được các nhà lãnh đạo Pa-le-xtin dần hóa giải. Đầu tháng 1 vừa qua, khoảng một triệu người ủng hộ Phong trào Pha-ta của Tổng thống M.Áp-bát đã tổ chức cuộc mít-tinh quy mô lớn đầu tiên ở dải Ga-da, nơi Phong trào Ha-mát nắm quyền kiểm soát. Đây được coi là dấu hiệu hòa giải giữa Ha-mát với Pha-ta. Tuy nhiên, quan hệ luôn ở thế đối đầu giữa Phong trào Ha-mát với I-xra-en đã cản trở các cuộc thương lượng trực tiếp giữa hai bên, đồng thời là vật cản lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Tổ chức Hồi giáo này bị I-xra-en và phương Tây liệt vào danh sách khủng bố.

Dù Tổng thống Áp-bát tuyên bố quyết tâm thành lập Nhà nước Pa-le-xtin độc lập trong năm 2013, song con đường tiến tới mục tiêu này vẫn còn nhiều khó khăn. Để có một hòa bình thật sự ở Trung Đông, cần khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, song chưa có dấu hiệu thế bế tắc hiện nay có thể được phá vỡ./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com