Người Việt tại Lào chủ yếu sinh sống tại các tỉnh, thành phố lớn như Vientiane, Savannakhet, Thakhek, Champasak… với 3 nhóm chủ yếu là công chức, kinh doanh, buôn bán nhỏ và xây dựng. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước Lào luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ở Lào làm ăn, đồng thời phát huy được bản chất thông minh, cần cù, khéo léo vốn có trong sản xuất kinh doanh. Không ít kiều bào làm nghề kinh doanh, dịch vụ ở quy mô vừa và nhỏ. Đáng chú ý ở một số địa phương có đông người Việt, hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của người Việt đạt rất nhiều kết quả. Nhiều doanh nghiệp kiều bào đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực, đầu đàn của một số tỉnh, thành phố và có nhiều hoạt động từ thiện, xã hội.
Một xưởng may của người Việt trên đất Lào. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, với những người Việt làm việc, lao động trong lĩnh vực mua bán nhỏ và xây dựng thì hầu hết đời sống còn tương đối vất vả, khó khăn. Anh Hiệp (42 tuổi), quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng, chuyên hành nghề bán kem dạo tại Vientiane, khu vực gần Chợ Sáng, cho biết: "Tôi sang đây đã được 5 năm, bên này làm ăn cũng thuận lợi, nhưng rất vất vả. Đi bán kem cả ngày chỉ kiếm được chừng 200-300 nghìn tiền Việt. Đó là chưa trừ khoản tiền ăn uống, tiền thuê nhà trọ để ở!”. Cùng hoàn cảnh như anh Hiệp, anh Phương (45 tuổi), quê ở Hải Dương, cho biết anh sang đây đã hơn 12 năm, từng làm rất nhiều nghề khác nhau. Thời gian đầu làm phụ hồ, nhưng hết công trình lại thất nghiệp. Sau đó Phương quyết định trụ lại Vientiane cũng bằng nghề bán kem dạo. Tuy vất vả nhưng có đồng ra đồng vào gửi về quê nhà cho con ăn học.
Đại đa số những người Việt lao động theo thời vụ như các anh Hiệp, anh Phương thì 1 năm chỉ được trở về quê một lần trong dịp nghỉ Tết. Xong xuôi, họ lại tiếp tục bắt xe sang Lào. Ở Luang Prabang có một ngôi trường đang được xây dựng, đó là trường Quốc tế Kiettisak, một chi nhánh của Kiettisak International School nằm ở thủ đô Vientiane do một người Lào gốc Việt, cô Changsanga Valakone thành lập. Còn tại Nong Kham, cách trung tâm Luang Prabang khoảng 2km, nơi có khoảng 50 người công nhân Việt Nam và ngôi trường Kiettisak thứ nhì cũng đang dần dần thành hình. Hầu hết những người thợ xây dựng này đều xuất thân từ Thừa Thiên - Huế. Họ sang Lào từ năm 2007 và một số công nhân mới nhất sang từ đầu năm 2012. Chủ sử dụng lao động cũng chính là cô Nguyễn Thị Nga Changsanga Valakone, hiệu trưởng trường Quốc tế Kiettisak.
Người Việt làm việc, lao động thời vụ tại Lào, có lẽ phải kể đến đầu tiên là những người con của dải đất miền Trung. Đông nhất là ở Nghệ An, tiếp theo là Thừa Thiên - Huế. Độ tuổi trung bình của họ từ 18 đến 35 tuổi, là những lao động chính trong lĩnh vực xây dựng. Đời sống của họ phần lớn còn khá vất vả, cực nhọc, nhất là trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Mặc dù vậy, cộng đồng người Việt tại Lào vẫn luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với quê nhà Việt Nam. Điều minh chứng là họ luôn cố gắng hết sức để giữ gìn những truyền thống văn hóa bản sắc dân tộc. Hằng năm có rất nhiều những hoạt động của kiều bào diễn ra, như các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong nước, đón Tết Trung thu, Tết Nguyên đán; theo dõi các thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng về Việt Nam; tham gia sinh hoạt tại các hội đoàn của người Việt… Có lẽ nhờ những hoạt động thiết thực đó mà cộng đồng người Việt tại Lào đang ngày càng thêm gắn kết gần gũi hơn./.
Theo: Đại Đoàn Kết