Vào cuối thập niên 1980, cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan có hơn 1.000 người, chủ yếu là trí thức và một bộ phận lao động ngành may. Chỉ sau một thời gian ngắn, con số này đã tăng lên đến 35-40 nghìn người, tập trung sinh sống, làm ăn tại các thành phố lớn. Tương tự, các Hội đoàn Việt Nam tại Ba Lan được hình thành từ rất sớm và đa dạng với đầy đủ các tổ chức đại diện các thành phần trong xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Doanh nghiệp, Hội Thanh niên sinh viên... Trong số này, với mục tiêu vì một cộng đồng đoàn kết, phát triển ổn định, hữu nghị và luôn hướng về quê hương đất nước, từ gần 14 năm trước, vào ngày 24-3-1999 Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã chính thức được thành lập, trở thành chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
Người Việt ở Ba Lan. Ảnh: Internet |
Trước đây "Hội người Việt tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị” (tên cũ của Hội người Việt Nam tại Ba Lan hiện nay) là một tổ chức độc lập. Song kể từ Đại hội nhiệm kỳ V (tháng 7-2011), do nhu cầu phát triển, hội nhập cộng đồng, hầu hết các tổ chức hội đoàn, các câu lạc bộ trong cộng đồng đều chủ trương sát nhập vào Hội. Hơn 13 năm qua, với sự đóng góp tâm huyết của cả cộng đồng, Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã trở thành một tổ chức xã hội rộng rãi, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo bà con kiều bào. Chủ tịch Hội, ông Lê Thiết Hùng, cho biết: "Qua hơn 13 năm hoạt động, Hội đã phát huy được vai trò nòng cốt trong cộng đồng, đảm đương được nhiệm vụ phối hợp và kết nối các hoạt động chung của bà con, nhất là trong công tác đối ngoại, ngày càng nâng cao vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan. Một hoạt động rất có hiệu quả và thiết thực với cộng đồng, gây được uy tín và lòng tin lớn trong bà con là công tác an ninh. Cụ thể, vào những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, tình hình an ninh nội bộ trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan còn phức tạp, gây nhiều hoang mang lo lắng cho bà con. Trước tình hình ấy, Hội đã bàn bạc, tiếp cận với lực lượng an ninh và cảnh sát Ba Lan. Từ các hoạt động thắt chặt mối quan hệ với lực lượng an ninh bản xứ, cộng đồng người Việt đã có được sự giúp đỡ của cảnh sát Ba Lan trong trấn áp tội phạm…”.
Về mối quan hệ khác với các cơ quan, chính quyền nước sở tại, người Việt tại Ba Lan luôn được tham gia các buổi gặp gỡ đại diện các tổ chức, cơ quan hữu trách của Ba Lan. Ngoài ra, một trong những hoạt động nổi bật nhất khác nữa là công tác từ thiện, chăm lo đời sống cho bà con lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Nhiều năm qua, Hội luôn có Ban đại diện làm tốt công tác hiếu hỷ đồng thời là đầu mối liên hệ, kết nối cho bà con kiều bào về nước làm từ thiện. Hội người Việt Nam tại Ba Lan còn có tờ báo Quê Việt là tiếng nói của Hội đã duy trì và phát hành 13 năm nay, chuyên đảm trách việc chuyển tải các thông tin mọi mặt của cộng đồng cũng như của nước sở tại tới bà con…
Cũng theo lời ông Lê Thiết Hùng, mặc dù cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan luôn được đánh giá là cộng đồng mạnh, ổn định, đoàn kết nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn do tình hình mới với tính chất cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong kinh doanh, kinh tế thế giới biến động, tình trạng lạm phát... Bởi vậy, để phát triển và hội nhập mạnh mẽ hơn, không chỉ cần sự nỗ lực của các thành viên trong Hội mà cần có sự tham gia của cả cộng đồng với sự hỗ trợ giúp đỡ từ trong nước trên nhiều phương diện từ chính sách đến tài chính và ngoại giao. Đặc biệt, việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho con em thế hệ thứ hai và thứ ba ở Ba Lan nói riêng và nước ngoài nói chung đang gặp nhiều khó khăn về chương trình, nội dung và tài liệu giảng dạy, thậm chí cả cơ sở vật chất, trường lớp. Do đó, mong muốn của bà con là được Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để soạn thảo chương trình, tài liệu phù hợp. Lý do bởi việc dạy tiếng Việt không đơn thuần là dạy cho thế hệ trẻ biết đọc, biết viết mà thông qua đó các cháu hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống và đạo lý tốt đẹp của người Việt./.
Theo: daidoanket.vn