Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ

09:01, 23/01/2013

Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không phải là vấn đề mới nhưng luôn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Bởi lẽ, nhiều người ngờ rằng việc Mỹ triển khai và mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu trị giá hàng tỷ USD không đơn thuần chỉ nhằm bảo vệ Oa-sinh-tơn và các nước đồng minh trước những đe dọa hạt nhân, mà đằng sau nó là cả một bài toán chiến lược...

Vượt rào

Cuối thập niên 1950, ý tưởng về một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (National Missile Defense-NMD) có nhiệm vụ phát hiện, cảnh báo và phá hủy tên lửa của đối phương bằng tên lửa đánh chặn, đã bắt đầu xuất hiện. Mặc dù đã ký vào Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972, nhưng Mỹ vẫn không hề từ bỏ ý định biến ý tưởng NMD thành hiện thực. Năm 1999, Mỹ ban hành Đạo luật Phòng thủ tên lửa quốc gia. Đây được xem là bước đầu trong kế hoạch đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM của nước Mỹ để có thể phát triển lại các hệ thống phòng thủ tên lửa. Năm 2000, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ tiếp tục thực hiện các bước xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa và lần này còn có sự tham gia tích cực của các nước đồng minh trong khối NATO. Bằng việc đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM vào năm 2002, nước Mỹ đã chính thức loại bỏ được rào cản lớn nhất trên con đường phát triển vũ trang.

Theo thống kê chính thức của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) được đăng trên trang globoscope.ru, kể từ năm 1985, Mỹ đã chi 107 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cũng ước tính chi phí cho các dự án phát triển NMD tính riêng trong 5 năm từ 2004-2009 đã lên tới 59 tỷ USD. Ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2013 cũng dành riêng 9,8 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo này.

Bao phủ châu Âu vào năm 2018

Theo dự kiến, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO mà Mỹ đóng vai trò chủ chốt, sẽ bao phủ toàn bộ châu Âu vào năm 2018. Để chuẩn bị cho điều này, hồi tháng 3-2012, BBC đưa tin ít nhất một chiến hạm trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đã có mặt tại Địa Trung Hải. Trước đó, vào tháng 1, theo RIA-Novosti, Mỹ vừa triển khai ra-đa cảnh báo sớm tối tân X-band AN/TPY-2 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 10, Tây Ban Nha chính thức thông qua việc tiếp nhận 4 tàu chiến Mỹ trang bị hệ thống Aegis cập cảng nước này. Sau một thời gian chuẩn bị, 4 chiến hạm dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2014 để trở thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa do NATO thiết lập tại châu Âu. Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận để lắp đặt hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 phiên bản mặt đất tại Ru-ma-ni vào năm 2015.

Một hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Internet
Một hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Internet

Ngoài ra, từ cuối năm 2012, Oa-sinh-tơn còn cho thấy hàng loạt những động thái nhằm hình thành các lá chắn tên lửa ở châu Á. Tháng 9-2012, AFP đưa tin, Oa-sinh-tơn đạt thỏa thuận với Tô-ki-ô về việc thiết lập một ra-đa cảnh báo sớm tên lửa X-band ở miền Nam Nhật Bản để phối hợp với ra-đa AN/TPY-2 đang có ở miền Bắc nước này. Trước đó, Oa-sinh-tơn đã lắp đặt một hệ thống như vậy tại Ha-oai.

Vừa mở rộng quy mô, Mỹ cũng liên tục tăng cường tính chính xác của hệ thống phòng thủ tên lửa đang thiết lập. Ngày 24-10-2012, chuyên trang thông tin lục quân Mỹ DVIDS đưa tin Lầu Năm Góc vừa thực hiện cuộc thử nghiệm phức tạp nhất trong lịch sử quân sự nước này. Cuộc thử nghiệm diễn ra ở bãi thử Reagan thuộc Cộng hòa quần đảo Mác-san và vùng lân cận thuộc tây Thái Bình Dương. Tại đây, hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis và THAAD kết hợp cùng nhau đã bắn hạ thành công cùng lúc 5 mục tiêu, gồm cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình.

Chạy đua lá chắn tên lửa

Theo tuyên bố ban đầu của Oa-sinh-tơn, hệ thống NMD sẽ được dùng để đánh chặn mọi tên lửa của đối phương trước khi chúng “chạm vào lãnh thổ” nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích lại cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hơn cả của NMD chính là duy trì ưu thế quân sự của nước Mỹ và ổn định trật tự của thế giới đơn cực bằng bất cứ giá nào. Do vậy, ngoài việc chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong cách bố trí chiến lược của Mỹ, NMD còn đem lại cho Mỹ một lợi thế mới về chính trị, quân sự và an ninh ở các khu vực. Nó là một cách để Mỹ tăng cường vũ trang và hiện đại hóa thiết bị quân sự cho chính mình và các đồng minh.

Tuy nhiên, chính việc Oa-sinh-tơn đẩy nhanh quá trình phát triển mạng lưới phòng thủ tên lửa tại châu Âu, nằm sát sườn Nga, đã gây một trở ngại lớn cho mối quan hệ giữa hai nước. Ngày 23-11-2011, AP dẫn lời Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép khi ông công bố những biện pháp đáp trả trong trường hợp Mỹ và NATO triển khai hệ thống "lá chắn tên lửa" tại châu Âu mà không tính đến lập trường và lợi ích của Nga. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Ni-cô-lai Pa-tru-sép ngày 9-1-2013 cũng tuyên bố, nước này và Trung Quốc đang có kế hoạch tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa để ứng phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều người lo ngại rằng, căng thẳng giữa Nga và Mỹ quanh hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ gây nên một cuộc "chạy đua vũ trang" mới trong thế kỷ 21. AP dẫn tuyên bố của Tướng Ni-cô-lai Ma-ca-rốp, Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Nga cảnh báo, thế giới có thể đối mặt với cuộc chạy đua vũ trang tồi tệ nếu Mỹ tiếp tục triển khai các kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Theo ông, vào năm 2015, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ càng có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga và đến 2020, thế cân bằng hạt nhân bị phá vỡ. Tướng Ma-ca-rốp cũng khẳng định, khoảng 5 đến 6 năm nữa, một cuộc chạy đua vũ trang tồi tệ sẽ bắt đầu và cuộc đua này có thể không có điểm dừng./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com