Đó là tâm niệm của bà Trish Franklin (62 tuổi), một công dân Australia. Gần 18 năm gắn bó với Việt Nam, bà đã có nhiều hoạt động thiết thực cho các học sinh khuyết tật, học sinh vùng khó khăn ở dải đất hình chữ S này nhằm hỗ trợ cho các em có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, vươn đến những mùa xuân đích thực…
Những công trình vì tuổi thơ
“Ô, bà Trish đến rồi!” - hơn 300 học sinh Trường TH Lê Thành Phương (phường Xuân Phú, TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã vui mừng reo lên như vậy khi thấy bà Trish Franklin, Giám đốc điều hành tổ chức Loreto VietNam - Australia Program (LVAP) và các cộng sự đến dự lễ khánh thành “Phòng đọc thân thiện” của trường vào cuối tháng 12-2012.
Được hỗ trợ 154 triệu đồng của LVAP và 120,5 triệu đồng là vốn đối ứng của UBND TX Sông Cầu, sau thời gian cải tạo, thư viện nhiều năm đã xuống cấp trầm trọng của Trường TH Lê Thành Phương nay mang một bộ mặt hoàn toàn khác trước. Là “Phòng đọc thân thiện”, thư viện được trang trí bắt mắt với nhiều đầu sách mới, có đủ bàn ghế, tủ sách, máy vi tính, máy in, các đồ chơi giáo dục và các đồ vật phục vụ cho nhu cầu đọc và các kỹ năng cần thiết khác cho học sinh.
Lễ khởi công xây dựng Trường Mầm non bán trú Xuân Thành và phòng đọc thân thiện trường Tiểu học Lê Thành Phương, với sự tham dự của bà Trish Franklin, Giám đốc điều hành, Trưởng văn phòng dự án Loreto Úc tại Việt Nam. Ảnh: Internet |
Ở tỉnh Phú Yên, cùng với công trình “Phòng đọc thân thiện” nói trên, thời gian qua, LVAP đã triển khai dự án hỗ trợ suất ăn dinh dưỡng cho 125 học sinh khuyết tật của trường Niềm Vui với kinh phí hơn 195 triệu đồng, thực hiện từ tháng 9-2012 đến tháng 5-2013; trang bị một phòng học vi tính với 10 máy trị giá 100 triệu đồng, nâng cấp hai dãy phòng học và khu vệ sinh với trang thiết bị, dụng cụ phục vụ giảng dạy, học tập và đồ chơi ngoài trời cho trường này với tổng kinh phí trên 24.000USD. Song song đó, LVAP đã tài trợ xây dựng và đưa vào sử dụng trường Mầm non bán trú Sơn Thành Đông (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) với tổng vốn tài trợ gần 1,5 tỷ đồng; tiến hành xây dựng trường Mầm non bán trú phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) với vốn tài trợ khoảng 2,3 tỷ để đưa vào sử dụng trong năm 2013. Hiện LVAP đang tìm nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân Mạnh Thường Quân để có thể sớm khởi công xây dựng trường Mầm non xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa)…
“Việt Nam gắn bó với tôi như một duyên nợ”
Sinh ra ở TP Ballarat, bang Victoria (Australia), năm 1992, bà Trish Franklin đi du lịch sang Việt Nam. Chứng kiến cảnh đời đáng thương của các em nhỏ khuyết tật, sống lang thang, cơ nhỡ, trở về nước, bà đăng ký học thêm ngành công tác xã hội để được tiếp xúc, hiểu thêm về những thân phận bất hạnh, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, mồ côi trong cuộc sống. Đồng thời, bà còn học để lấy chứng chỉ sư phạm của Trường Đại học Cambridge (Anh quốc) về giảng dạy tiếng Anh. Năm 1995, theo chương trình của Hội Tình nguyện viên quốc tế Australia, bà lại đến Việt Nam, dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo ở quận 4 (TP.HCM) rồi tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Năm 1997, bà thành lập và trực tiếp làm Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện phi chính phủ LVAP. Mục tiêu của LVAP là giúp đỡ trẻ em có cơ hội được cắp sách đến trường trong điều kiện học tập tối ưu nhất có thể, đặc biệt là đối với những học sinh khuyết tật. Với mục tiêu này, từ năm 1997 đến nay, bà và các cộng sự ở LVAP cùng những tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng Việt, Australia đã thực hiện hàng trăm chương trình từ thiện như dạy ngoại ngữ, dạy nghề, dạy vẽ, trang bị kỹ năng sống, tặng các dụng cụ hỗ trợ học tập, các thiết bị thể thao, nhạc cụ, xây tặng phòng học, tặng máy vi tính, xe đạp… cho hơn hai mươi ngàn em nhỏ bất hạnh, khuyết tật, học sinh vùng khó khăn, tham gia đào tạo, hỗ trợ giáo viên các trường chuyên biệt ở TP.HCM và các tỉnh Phú Yên, An Giang, Tiền Giang và Cà Mau.
Khi được hỏi vì sao lại gắn bó với các hoạt động dành cho các em nhỏ ở Việt Nam đến vậy, bà Trish Franklin bộc bạch: “Nhiều năm sống ở đây, tôi thấy đất nước các bạn rất tươi đẹp, người dân Việt Nam đôn hậu và hiếu khách, đặc biệt, trẻ em Việt Nam rất đáng yêu. Các em rất lễ phép, ham học hỏi và nhất là không bao giờ đánh mất niềm đam mê học tập của mình dù hoàn cảnh có khó khăn đến mấy. Vì thế, tôi gắn bó với đất nước các bạn như một duyên nợ”.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Yên Ngô Văn Quỳ nhận xét: “Bà Trish Franklin đi đến đâu cũng được mọi người, nhất là trẻ em, yêu mến, quý trọng vì tính cách chân thật và hòa đồng của mình. Tôi tin tưởng trong năm 2013, sự hợp tác giữa LVAP với Phú Yên sẽ tiếp tục mở rộng với nhiều chương trình, dự án đạt kết quả tốt hơn năm trước để lo cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật ngày càng tốt hơn”./.
Theo: baovanhoa.vn