Mặc dù Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi đã hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi của mình, song phe đối lập nước này vẫn kiên quyết yêu cầu Tổng thống hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo Hiến pháp mới và tiếp tục kêu gọi các cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch này.
Ngày 9-12 (giờ địa phương), Mặt trận Cứu quốc (NSF), tổ chức đối lập hàng đầu quy tụ nhiều chính đảng tự do và cánh tả ở Ai Cập, đã ra tuyên bố bác bỏ hoàn toàn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15-12 tới. Theo tuyên bố, việc tổ chức trưng cầu ý dân vào lúc này sẽ chỉ làm chia rẽ thêm xã hội Ai Cập và có nguy cơ đẩy đất nước vào tình trạng đối đầu bạo lực. NSF cũng kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình một triệu người vào ngày 11-12 tại các quảng trường trên khắp cả nước nhằm phản đối dự thảo Hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân.
Người biểu tình Ai Cập phản đối việc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp mới vào ngày 15-12 tới. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Liên minh các lực lượng Hồi giáo, tổ chức quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo, cũng không có dấu hiệu nhượng bộ khi tuyên bố sẽ tổ chức cuộc biểu tình 2 triệu người nhằm ủng hộ Tổng thống Mơ-xi vào cùng thời điểm tại Thủ đô Cai-rô, Thành phố A-lếch-xan-đri-a và tỉnh A-xi-út. Ngoài ra, nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan như Salafi đã kêu gọi hàng triệu người ủng hộ tham gia cuộc biểu tình lớn phía trước Trung tâm Truyền thông ở Cai-rô với yêu cầu hủy các chương trình đối thoại trên truyền hình và kêu gọi tẩy chay các tờ báo bị cho là có quan điểm chống lại người Hồi giáo.
Đáp lại sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, Tổng thống Mơ-xi vẫn khẳng định sẽ tổ chức trưng cầu ý dân theo đúng kế hoạch đã định và cũng đã ra lệnh cho quân đội duy trì an ninh và bảo vệ các cơ quan nhà nước cho tới khi các kết quả trưng cầu ý dân về hiến pháp mới được công bố. Trong một sắc lệnh vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 10 đến hết ngày 15-12, nêu rõ: "Lực lượng vũ trang phải hỗ trợ cảnh sát với sự hợp tác tuyệt đối nhằm giữ gìn an ninh và bảo vệ các cơ quan nhà nước quan trọng trong một giai đoạn tạm thời, cho tới khi công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp". Năm 2011, một điều luật tương tự đã được Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) đề xuất, song không thể thực hiện do vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà hoạt động nhân quyền và các lực lượng chính trị, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo và đảng Tự do và Công lý, nhánh chính trị của tổ chức này.
Cũng trong ngày 10-12, Tổng thống Mơ-xi đã đột ngột quyết định đình chỉ kế hoạch tăng thuế, đồng thời yêu cầu chính phủ tiến hành đối thoại xã hội và tham khảo ý kiến của các chuyên gia về sửa đổi chính sách thuế trước khi ban hành. Chính sách tăng thuế là một phần trong cam kết của chính phủ về chương trình cải cách kinh tế nhằm giảm thâm hụt ngân sách thông qua việc tăng thu ngân sách nhà nước vốn đã được Ai Cập nhất trí với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đổi lại khoản vay 4,8 tỷ USD. Việc công bố chính sách tăng thuế vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới được xem là không thích hợp vì sẽ gây thêm bất bình trong công chúng.
Trong bối cảnh căng thẳng không có dấu hiệu hạ nhiệt, Thủ tướng Ai Cập Hê-sam Căng-đin đã kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị đối lập cũng như ủng hộ Tổng thống Mơ-xi chấm dứt biểu tình và tham gia bỏ phiếu về dự thảo hiến pháp vào ngày 15-12 tới. Theo ông Căng-đin, mỗi bên đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình thông qua lá phiếu và đây là "cách thức hợp pháp duy nhất" để đạt được các mục tiêu mong muốn./.
Theo: qdnd.vn