Vũ khí “nhỏ”, thay đổi “lớn”

09:12, 28/12/2012

Hiện nay, mỗi khi bàn đến một cuộc chiến, dư luận vẫn luôn dành nhiều sự chú ý xem loại vũ khí nào được các bên tham chiến sử dụng nhằm giành được thế “thượng phong” trên chiến trường, thường là hệ thống tên lửa, xe tăng hay máy bay. Tuy nhiên, có những vũ khí khác cũng góp phần không nhỏ làm nên thành bại của một cuộc chiến. Đó chính là các loại vũ khí trang bị cá nhân.

Thay đổi cục diện chiến tranh

Trong các loại vũ khí cá nhân được trang bị cho binh lính, súng vẫn được xem là phổ biến hơn cả. Kể từ khi ra đời cho đến nay, dòng súng trường AK với phiên bản đầu tiên AK-47 đã chứng tỏ được tính ưu việt và vẫn không ngừng tiếp tục được nghiên cứu phát triển với nhiều phiên bản khác nhau.

Theo trang tin GlobalSecurity, AK-47 ra đời năm 1947 và do Liên Xô (trước đây) chế tạo. Chi phí thấp, độ tin cậy và hiệu quả rất cao làm cho loại súng này trở thành loại vũ khí cá nhân thông dụng nhất thế giới, dù tầm bắn hiệu quả nhất của nó trong khoảng 300-400m, tối đa là 600m. AK-47 rất bền và chiến đấu tốt trên mọi điều kiện địa hình kể cả bùn đất, băng giá và sa mạc.

Đánh giá về AK-47, La-ri Ca-ha-nơ, tác giả của cuốn sách “The Weapon that Changed the Face of War” cho rằng, với những đặc tính nổi trội, đây chính là loại vũ khí đã một thời làm thay đổi cục diện chiến tranh.

“Nó là loại súng trường tấn công phổ biến nhất, một loại vũ khí mà tất cả các binh lính đều ưa chuộng. Nó vẫn sử dụng bình thường cho dù có bị ngâm trong bùn hay dính cát. Nó dễ sử dụng đến trẻ con cũng dùng được”, La-ri Ca-ha-nơ viết.

Thủ tướng Nga Mét-vê-đép kiểm tra súng trường AK-12 tại nhà máy. Ảnh: The Blaze
Thủ tướng Nga Mét-vê-đép kiểm tra súng trường AK-12 tại nhà máy. Ảnh: The Blaze

Đồng tình với quan điểm này, theo Mác Bút, tác giả của cuốn sách “The Savage Wars of Peace”, trong nửa thế kỷ qua, súng trường tấn công AK-47 đã tạo cho mình được danh tiếng là công cụ tiêu diệt phổ biến nhất trên hành tinh. “Không loại súng nào khác sánh kịp về độ bền, chi phí thấp, dễ sử dụng và tính sát thương cao. Nó là một biểu tượng chung cho cả một cuộc cách mạng”, ông Mác Bút nhấn mạnh.
Trong một bài viết đăng trên chuyên trang công nghệ và xã hội New Atlantis, Vích-to Đa-vít Han-xơn, nhà nghiên cứu cấp cao về lịch sử quân sự tại Viện Hoover, khẳng định AK-47 đã và đang tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc chiến, điển hình là trong các cuộc chiến tranh du kích tại Nam Phi, Trung Đông. Đối với Việt Nam, AK-47 là loại vũ khí đã góp phần làm nên lịch sử của quân đội ta, trở thành nỗi kinh hoàng của lính Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Hãng tin Roi-tơ dẫn lời “cha đẻ” của AK-47 Ca-lát-nhi-cốp từng nói rằng trong chiến tranh Việt Nam, không ít lính Mỹ đã phải quẳng M-16 để liều chết cướp lấy AK-47 từ tay các chiến sĩ Việt Nam hy sinh. Còn ở chiến trường I-rắc, lính Mỹ cũng phải “trang bị súng máy và súng trường của tôi trên xe bọc thép của họ. Ngay cả ở đó, súng Mỹ cũng không hiệu quả lắm”, ông Ca-lát-nhi-cốp nói.

Bên cạnh dòng súng AK, không thể không nhắc đến một số vũ khí cá nhân “chết người” tưởng chừng như chỉ có trong phim ảnh nhưng thực tế lại từng được giới điệp viên sử dụng trong các cuộc chiến tranh trước đây như súng thỏi son, găng tay phun lửa, sô-cô-la nổ, xì gà tẩm độc…

Như vậy, nhìn vào khả năng của các loại vũ khí cá nhân, có thể thấy rằng sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua vai trò “đắc lực” của chúng trong mỗi cuộc chiến.

Miếng mồi ‘béo bở”

Theo Đài tiếng nói nước Nga, cho đến nay, có hơn 70 triệu súng AK các loại khác nhau đã được xuất xưởng và được trang bị cho quân đội của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Nhà sản xuất vũ khí Izhmash của Nga cho biết, trong năm 2011, doanh số bán các dòng súng AK đã tăng 57,4%, vào khoảng 190 triệu USD. Với tiềm năng lớn như vậy, Đài tiếng nói nước Nga cho biết, Nga đã đẩy mạnh nghiên cứu và vừa thử nghiệm thành công mẫu súng trường tự động mới nhất AK-12, có trọng lượng nhẹ, độ giật nhỏ và bắn trúng mục tiêu chính xác hơn nhiều so với các mẫu súng trường AK truyền thống.

Không chỉ có Mát-xcơ-va, mới đây, Lầu Năm Góc của Mỹ đã công bố sẽ tiến hành nghiên cứu và phát triển “lựu đạn vi ba uy lực mạnh” (HPM), có khả năng phát xung điện từ tiêu diệt thiết bị điện tử và kích hoạt các ngòi nổ. Về lý thuyết, các bộ phận điện của mìn tự tạo và các loại đạn dược sẽ bị quá tải bởi bức xạ điện từ mạnh phát ra bởi lựu đạn, làm cho ngòi nổ bị kích hoạt. Nếu thành công, việc sử dụng loại đạn dược như thế sẽ rất đơn giản, người lính chỉ việc rút chốt và ném lựu đạn HPM vào nơi nghi có bom.

Thị trường vũ khí vẫn luôn là miếng mồi béo bở và các cường quốc đều nhận thức được rằng “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Vì vậy, việc các cường quốc đua nhau chi mạnh tay cho nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí mới âu cũng là điều dễ hiểu. Trong tương lai, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các loại vũ khí mới hiện đại, tinh vi, hiệu quả hơn và tất nhiên đi kèm theo đó là tính sát thương nhiều hơn. Và có một điều chắc chắn rằng khi ấy, cục diện của mỗi cuộc chiến sẽ cũng trở nên khó lường hơn./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com