Lực lượng Ta-li-ban tại Áp-ga-ni-xtan ngày 22-12 đã kêu gọi thông qua một hiến pháp mới, xem đây là điều kiện tiên quyết để tham gia đàm phán hòa bình với Chính phủ của Tổng thống Ha-mít Ca-dai.
Trong tuyên bố được đưa ra sau một cuộc họp quan trọng diễn ra từ 19 đến 22-12, lực lượng này cho rằng, Hiến pháp hiện nay của Áp-ga-ni-xtan là không có giá trị và nước này cần một Hiến pháp mới được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của đạo Hồi, lợi ích quốc gia, công bằng xã hội. “Hiến pháp hiện nay của Áp-ga-ni-xtan không có giá trị gì với chúng tôi vì nó được soạn thảo dưới bóng của những chiếc máy bay B-52 của những kẻ xâm lược”, AFP dẫn tuyên bố của Ta-li-ban nêu rõ.
Cuộc họp do Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) của Pháp tổ chức, với sự tham gia của đại diện các phe phái đang giao tranh tại Áp-ga-ni-xtan. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Mỹ cầm đầu lực lượng quốc tế tấn công Áp-ga-ni-xtan nhằm lật đổ Ta-li-ban hồi năm 2001, các đại diện của Ta-li-ban ngồi vào bàn thương lượng với các quan chức Chính phủ và các nhóm đối lập khác để thảo luận về tương lai đất nước.
Cảnh sát Áp-ga-ni-xtan áp giải một kẻ tình nghi là tay súng của Ta-li-ban. Ảnh: Roi-tơ |
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đang nỗ lực nhằm đưa Ta-li-ban cũng như các thành phần đối lập tại nước này quay lại bàn đàm phán, xác định phương thức lãnh đạo đất nước sau khi quân đội nước ngoài rút hoàn toàn vào cuối năm 2014. Tổng thống Ha-mít Ca-dai đã vạch ra một lộ trình hòa bình nhằm thuyết phục Ta-li-ban và nhiều nhóm nổi dậy khác trong nước nhất trí ngừng bắn, trước khi trở thành một tác nhân hòa bình. Hãng tin AFP cho biết, bước đầu tiên trong "Lộ trình Hòa bình đến năm 2015" mà chính quyền Ca-bun vạch ra là kêu gọi tập trung vào việc đạt được sự hợp tác với Pa-ki-xtan, quốc gia láng giềng bị Ca-bun cáo buộc chứa chấp phiến quân Ta-li-ban. Bước tiếp theo là các động thái hướng tới đàm phán trực tiếp chính thức với Ta-li-ban tại A-rập Xê-út vào nửa đầu năm sau, với sự giúp đỡ của Mỹ và Pa-ki-xtan. Bước thứ ba đặt ra cho nửa sau năm 2013, kêu gọi đạt thỏa thuận ngừng bắn và Ta-li-ban cùng các nhóm vũ trang khác chuyển thành các chính đảng có thể tham gia bầu cử. Bước cuối cùng của lộ trình này bao gồm việc có được kết cục hòa bình cho cuộc xung đột tại Áp-ga-ni-xtan vào nửa đầu năm 2014 và những động thái nhằm bảo đảm an ninh, ổn định lâu dài cho Áp-ga-ni-xtan cũng như khu vực. Trong bước đi đầu tiên, chính quyền của ông Ca-dai đã nỗ lực giải phóng các tù nhân của Ta-li-ban bị giam giữ tại Pa-ki-xtan. Tuy nhiên, nhìn nhận về lộ trình này, nhiều nhà phân tích cho rằng nó quá tham vọng, vì vậy khó lòng mà thực hiện được.
Cuộc họp tại Pháp lần này có sự tham dự của các gương mặt cấp cao của Ta-li-ban như Sa-ha-bút-đin Đi-la-oa và Na-em Oa-đác. Mặc dù có ý kiến cho rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy nhóm Hồi giáo này có ý định nghiêm túc đối với tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á, thế nhưng tuyên bố trên của Ta-li-ban lại cho thấy sự hoài nghi của lực lượng này đối với chính phủ Áp-ga-ni-xtan. Mặc dù đưa ra điều kiện tiên quyết để tiến tới đàm phán hòa bình, thế nhưng trong tuyên bố của mình, Ta-li-ban vẫn không quên nhấn mạnh: “Những kẻ xâm lược và đồng minh của mình chưa đưa ra được một lộ trình hòa bình rõ ràng”. Trên thực tế, cho tới nay, “hố sâu” ngờ vực của lực lượng này đối với chính quyền Ca-bun vẫn chưa bao giờ được lấp đầy và nhóm này vẫn từ chối đàm phán với chính phủ mà họ coi là “một con rối” của Mỹ. Trong khi đó, việc thông qua một bản hiến pháp mới đối với chính quyền Ca-bun là điều không tưởng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chỉ còn hơn 1 năm nữa là Áp-ga-ni-xtan tiến hành bầu cử tổng thống.
Năm 2014 sẽ là năm quyết định đối với tương lai Áp-ga-ni-xtan vì phần lớn lực lượng liên quân rút đi, nước này sẽ tổ chức bầu cử tổng thống, trong đó Tổng thống đương nhiệm Ha-mít Ca-dai sẽ không tái tranh cử. Nhiều nhà quan sát hoài nghi và dự báo về nguy cơ gia tăng nội chiến ở Áp-ga-ni-xtan. Các lực lượng nước ngoài rút đi để lại khoảng trống an ninh lớn, có thể khiến lực lượng an ninh của Áp-ga-ni-xtan mất đi hậu thuẫn, dẫn đến sụp đổ, trong khi thủ lĩnh các bộ tộc miền Bắc đã chuẩn bị cho một cuộc nội chiến.
Chừng nào mà các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung thì chừng ấy tiến trình hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan vẫn còn là mục tiêu xa vời, và không ai khác, chính những thường dân vô tội là những người sẽ phải tiếp tục gánh chịu hậu quả nặng nề nhất./.
Theo qdnd.vn