Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 12-12 đưa tin nước này đã phóng thành công vệ tinh quan trắc Trái Đất Quang Miêng Xâng-3 lên quỹ đạo sáng cùng ngày. Thông báo của KCNA cho biết, phiên bản thứ hai của vệ tinh Quang Miêng Xâng-3 đã được phóng bằng tên lửa đẩy Unha-3 từ trung tâm vũ trụ Xô-hê vào lúc 9 giờ 51 phút (giờ địa phương) và vệ tinh đã vào đúng quỹ đạo. Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các quan chức quân sự nước này cũng cho rằng vụ phóng của Triều Tiên đã thành công, theo đó các tầng của tên lửa đẩy đã tách và rơi tại các điểm đúng như thông báo của Triều Tiên trước đó.
Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa, dư luận quốc tế đã đồng loạt bày tỏ phản ứng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun lên án vụ này là "một hành động khiêu khích" bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Ông Ban Ki Mun bày tỏ lo ngại về những hậu quả tiêu cực của hành động khiêu khích này đối với hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng không tiến hành các vụ phóng tương tự trong tương lai mà thay vào đó là xây dựng lòng tin với các nước láng giềng. Ông Ban Ki Mun cho rằng vụ phóng của Triều Tiên "vi phạm trắng trợn" Nghị quyết 1874 của HĐBA LHQ, được thông qua năm 2009 sau khi Triều Tiên thử hạt nhân. Nghị quyết này cấm Triều Tiên thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.
Các nhà khoa học Triều Tiên đang làm việc trước màn hình chiếu cảnh tên lửa Unha-3 đang được phóng lên từ huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan. Ảnh: Internet |
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Xung Hoan coi đây là hành động phớt lờ các cảnh báo trước đó của quốc tế, vi phạm các nghị quyết của LHQ và đe dọa hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên cũng như thế giới. Trong khi đó Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc đã thông báo triệu tập họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc gia nhằm thảo luận các tác động của vụ phóng trên.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản O. Phư-gi-mư-ra cho rằng hành động này là “không thể chấp nhận được” và Nhật Bản “phản đối kịch liệt”. Ông Phư-gi-mư-ra cũng cho biết Tô-ki-ô đề nghị triệu tập họp HĐBA LHQ về vụ phóng gây tranh cãi này vào lúc 10 giờ 50 phút giờ địa phương.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 12-12 bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về vụ phóng của Triều Tiên bất chấp dư luận quốc tế, trong đó có Nga. Tuyên bố nhấn mạnh vụ phóng này không có lợi cho sự ổn định khu vực và có thể gây tác động tiêu cực. Nga kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế mọi hành động đi ngược lại các nghị quyết của HĐBA, đồng thời hối thúc các bên tránh làm tình hình thêm căng thẳng.
Trong phản ứng chính thức cùng ngày, Nhà Trắng lên án vụ phóng của Triều Tiên là "hành động khiêu khích cao độ", có thể gây bất ổn trong khu vực. Còn Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-giu cho biết sẽ triệu đại sứ Triều Tiên tại Luân-đôn đến để phản đối việc này. Liên minh châu Âu (EU) ngày 12-12 đã dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, chỉ trích vụ phóng vi phạm luật pháp quốc tế của nước này.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ lấy làm tiếc về vụ phóng của Triều Tiên. Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi lấy làm tiếc về vụ phóng trên của Triều Tiên bất chấp những quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế".
Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin đã ra tuyên bố lên án kịch liệt Triều Tiên phóng tên lửa, cho rằng vụ phóng này vi phạm các Nghị quyết 1695 (năm 2006), Nghị quyết 1874 (năm 2009) và Nghị quyết 1718 (năm 2006) của HĐBA LHQ. Chính phủ Phi-líp-pin đề nghị Triều Tiên ngừng "các hành động khiêu khích" cũng như ngừng sử dụng hoặc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.
Các nước như Niu Di-lân, Ấn Độ… cũng đều bày tỏ quan ngại trước vụ phóng của Triều Tiên và kêu gọi nước này “kiềm chế những hành động như vậy"./.
Theo: qdnd.vn