Nỗ lực chấm dứt xung đột tại Xy-ri

08:12, 25/12/2012
Ngày 24-12, Tân Hoa xã dẫn lời Ðặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập về vấn đề Xy-ri L.Bra-hi-mi cho biết, ông đã tới Xy-ri, thảo luận với Tổng thống nước này A.Át-xát cách thức chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 21 tháng qua cũng như kế hoạch riêng của ông liên quan cuộc khủng hoảng này.

Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp, ông Bra-hi-mi nêu rõ: "Chúng tôi đã thảo luận các bước đi trong tương lai nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng". Ông Bra-hi-mi không nêu thêm chi tiết về cuộc gặp nói trên và vẫn tỏ ý lo ngại về tình hình Xy-ri.

Từ khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên quốc tế về Xy-ri hồi tháng 9 vừa qua, ông Bra-hi-mi đã nhiều lần đến quốc gia Trung Ðông này. Tuy nhiên, các nỗ lực tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng tại Xy-ri của ông vẫn chưa đạt được bước tiến khả quan nào, chủ yếu do các bên xung đột chưa sẵn sàng đàm phán. Trong khi đó, các lực lượng nổi dậy tại Xy-ri vẫn tiếp tục mở rộng vùng kiểm soát ở miền bắc và  gần Thủ đô Ða-mát, chiếm một số căn cứ quân sự của quân chính phủ. Tổ chức Giám sát nhân quyền Xy-ri (SOHR) cho biết, có ít nhất 44 nghìn người chết và hàng trăm nghìn người phải lánh nạn do xung đột tại Xy-ri.

* Trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Nước Nga ngày nay phát trong ngày 24-12, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp khẳng định, Chính phủ Xy-ri bảo đảm với Nga rằng, nước Trung Ðông này sẽ không sử dụng vũ khí hóa học trong bất kể tình huống nào. Ông La-vrốp nêu rõ, Mát-xcơ-va đã kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin về tình huống nói trên thông qua trao đổi "tay đôi, tay ba" và trực tiếp với Chính quyền Ða-mát, đồng thời cho rằng nếu sử dụng vũ khí hóa học thì Chính phủ Xy-ri sẽ "tự sát về chính trị".

* Theo Roi-tơ, Chính phủ của Tổng thống Ai Cập M.Mơ-xi không có nhiều thời gian để ăn mừng việc dự thảo hiến pháp mới được thông qua trong hai cuộc trưng cầu ý dân vừa qua. Nguyên nhân là qua cuộc trưng cầu ý dân này đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái chính trị của Ai Cập. Một số nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế Ai Cập đang gặp nhiều khó khăn thì điều quan trọng là phải đoàn kết các đảng chính trị. Có như vậy Chính phủ mới có thể tập hợp được sự ủng hộ cần thiết nhằm thông qua dự luật tăng thuế và cắt giảm chi tiêu -  những biện pháp cần thiết để duy trì cân bằng ngân sách và thông qua gói thắt lưng buộc bụng.

Liên quan kết quả cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp, Mặt trận Cứu quốc (NSF), một liên minh các nhóm đối lập tại Ai Cập tuyên bố sẽ khiếu nại kết quả cuộc trưng cầu ý dân này vì có sự gian lận. NSF khẳng định tiếp tục đấu tranh để phản đối "một hiến pháp không hợp lệ".

* Liên đoàn A-rập (AL) đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ gây sức ép để I-xra-en tuân thủ các nghị quyết của LHQ, theo đó yêu cầu Nhà nước Do Thái phải rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng, đồng thời có hành động cần thiết để ngăn chặn I-xra-en thực hiện kế hoạch xây 6.000 nhà định cư tại Ðông Giê-ru-xa-lem và Bờ Tây. Hội đồng AL cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ buộc I-xra-en phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ của giải pháp hai nhà nước.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com