Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Nhà Trắng ngày 9-11 bày tỏ quan điểm đánh thuế nhiều hơn với người giàu ở Mỹ. -Ảnh: Reuters/Kevin Lamarque. |
Theo Tân Hoa xã, vừa qua tại cuộc họp báo ở Nhà trắng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma kêu gọi cắt giảm nợ công một cách cân bằng, theo đó, Chính phủ cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu ngân sách. Ông Ô-ba-ma nhấn mạnh, người giàu phải đóng thuế cao hơn giúp giải quyết những thách thức tài chính; các nỗ lực giảm nợ công không cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tổng thống tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ thích hợp nhằm đạt thỏa thuận với QH về mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhưng cảnh báo sẽ phản đối kế hoạch cắt giảm mà không tăng thuế với người giàu.
EU chưa nhất trí ngân sách năm 2013
Roi-tơ cho biết, cuộc thảo luận đầu tiên giữa 27 thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) với Nghị viện châu Âu (EP) về ngân sách EU năm 2013, tổ chức tại Brúc-xen (Bỉ) ngày 9-11 đã thất bại. Các nước thành viên và Ủy ban châu Âu (EC) đã không nhất trí giải pháp bù đắp khoản thiếu hụt gần 9 tỷ ơ-rô của ngân sách năm 2012. Các bên cũng không đạt thỏa thuận về tăng ngân sách năm 2013. EC và EP muốn tăng khoảng 6,8% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, còn các thành viên đóng góp lớn nhất cho ngân sách lại muốn cắt giảm mạnh, nhằm phù hợp các chương trình "thắt lưng buộc bụng" ở hầu hết các nước trong khu vực.
FAO cảnh báo nguồn cung lương thực giảm mạnh
Roi-tơ dẫn báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cảnh báo, nguồn cung các loại ngũ cốc chủ chốt giảm mạnh trong niên vụ 2012-2013, với sản lượng toàn cầu giảm 2,7%, khiến giá lương thực tiếp tục cao. Nguyên nhân là do tình trạng hạn hán tác động nặng nề tại các nước sản xuất lương thực chủ chốt của thế giới. Tại Mỹ, khoảng 90% diện tích trồng ngũ cốc và 15% diện tích trồng đậu tương bị ảnh hưởng hạn hán. Tại Đông Âu và Trung Á, hạn hán khiến sản lượng lúa mì giảm 5,5%. Thời tiết khô hạn ở khu vực Biển Đen dự báo khiến sản lượng lúa mì của Nga và U-crai-na giảm khoảng 30%, Ca-dắc-xtan giảm 50%... FAO cho rằng, tháng 10 vừa qua, giá lương thực thế giới giảm, nhưng vẫn gần mức cao kỷ lục năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực./.
Theo nhandan.com.vn