Thắng lợi chưa trọn vẹn

08:11, 09/11/2012

Cuộc tổng tuyển cử năm 2012 tại Mỹ đã kết thúc và không có sự thay đổi đáng kể nào trên chính trường. Dù ông B.Ô-ba-ma vẫn tiếp tục ở lại Nhà trắng trong nhiệm kỳ tới nhưng kết quả này bị coi là một thắng lợi chưa trọn vẹn của Tổng thống B.Ô-ba-ma và đảng Dân chủ; so sánh lực lượng trên chính trường Mỹ vẫn ở thế giằng co, có thể diễn lại những vụ việc "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" giữa cơ quan lập pháp và hành pháp Mỹ trong nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước như hai năm vừa qua.

Dư luận Mỹ và nước ngoài quan tâm nhiều nhất cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 45. Theo AP, tính đến đêm 7-11 (giờ Việt Nam) với hơn 90% khu vực bầu cử đã được kiểm phiếu, ông B.Ô-ba-ma được ít nhất 303 phiếu đại cử tri, trong khi ông M.Rôm-ni được 206 phiếu đại cử tri. Theo Hiến pháp Mỹ, ghế Tổng thống không do cử tri bầu trực tiếp mà thông qua 538 phiếu đại cử tri, theo đó, ứng cử viên nào giành được quá bán, tối thiểu 270 phiếu đại cử tri sẽ trở thành người thắng cử. Đại diện đảng Cộng hòa đã thừa nhận thua cử trước đại diện đảng Dân chủ. Theo CNN, tính đến 22 giờ (giờ Việt Nam), đảng Cộng hòa vẫn giành quyền kiểm soát tại Hạ viện với ít nhất 231 ghế và đảng Dân chủ duy trì đa số tại Thượng viện với ít nhất 51 ghế.

Tổng thống B.Ô-ba-ma và gia đình mừng chiến thắng.    Ảnh: ROI-TƠ
Tổng thống B.Ô-ba-ma và gia đình mừng chiến thắng.
Ảnh: ROI-TƠ

Tổng thống B.Ô-ba-ma tái cử một cách "chật vật", nhưng không gây bất ngờ trong dư luận. Thắng cử, nhưng tín nhiệm của Tổng thống B.Ô-ba-ma và đảng Dân chủ bị sa sút so với cuộc bầu cử năm 2008. Bức tranh kinh tế Mỹ khá u ám, nợ công lớn, thâm hụt ngân sách trầm trọng và thất nghiệp luôn ở mức cao hơn 8%  (tháng vừa qua còn 7,9%). Tuy nhiên, có nhiều cử tri Mỹ đã cảm thông, chia sẻ và đánh giá cao những nỗ lực của  Chính phủ trong việc "chèo lái" đưa con thuyền Mỹ vượt qua những sóng gió, khó khăn. Chính phủ của ông Ô-ba-ma cũng thu được một số thành tựu đáng ghi nhận, như ngăn chặn suy giảm kinh tế lan rộng, lấy lại đà phục hồi kinh tế, kết thúc cuộc chiến I-rắc, rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan...

Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20-1-2013. Các mục tiêu, chương trình hành động cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Ô-ba-ma là, tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi kinh tế và xây dựng một xã hội quan tâm lợi ích của giới trung lưu và người lao động; tăng cường năng lực sản xuất, cạnh tranh nhằm củng cố vị trí nền kinh tế số một thế giới của Mỹ. Các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên của ông Ô-ba-ma là, tăng thuế với các tập đoàn và những người giàu nhằm tạo thêm nguồn thu cho ngân sách; giảm thuế thu nhập cho tầng lớp trung lưu và những gia đình có thu nhập thấp; ưu tiên hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo thêm việc làm mới; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục; tăng đầu tư cho các nguồn năng lượng thay thế để đến năm 2020 có thể giảm 50% nguồn dầu lửa nhập khẩu tạo đà cho phát triển bền vững; quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp trong việc bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu và tạo việc làm... Tổng thống Ô-ba-ma cam kết tạo thêm hàng triệu việc làm mới; giảm thâm hụt ngân sách khoảng 4.000 tỷ USD trong mười năm và tăng thu ngân sách khoảng 1.950 tỷ USD từ việc tăng thuế  đối với người giàu... Về đối ngoại và an ninh, ông Ô-ba-ma cam kết tiếp tục củng cố vị thế "siêu cường" của Mỹ trên trường quốc tế, xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh bảo đảm an ninh cho nước Mỹ; tăng cường các liên minh và đồng minh, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố và ưu tiên quan hệ với các nước khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương, xác định đây là khu vực gắn liền với tương lai và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong thế kỷ 21. Ông Ô-ba-ma một lần nữa khẳng định, nước Mỹ không thể tự mình giải quyết được mọi thách thức của thời đại mới, do vậy cần tăng cường sự hợp tác với các nước, các đối tác và các tổ chức quốc tế. Phát biểu ý kiến trước những người ủng hộ tại "Bộ chỉ huy tranh cử" của đảng Dân chủ ở Thành phố Chi-ca-gô sau khi tái đắc cử, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nêu rõ những khó khăn của đất nước và kêu gọi mọi người đoàn kết, tiếp tục ủng hộ chính phủ vượt qua thời kỳ khó khăn và đưa nước Mỹ tiến lên.

Cuộc bầu cử Tổng thống và QH Mỹ luôn là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận không chỉ ở Mỹ mà cả quốc tế. Chính quyền nhiều nước và tổ chức quốc tế hoan nghênh kết quả bầu cử và bày tỏ tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác với Chính phủ của Tổng thống Ô-ba-ma.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống và QH Mỹ năm nay (với tỷ lệ cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông Rôm-ni khá cao và đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Hạ viện) cho thấy, nước Mỹ tiếp tục bị phân cực và chia rẽ. Mâu thuẫn giữa cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp vẫn nghiêm trọng. Chính phủ của Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức phía trước, như khủng hoảng nợ công cao, kinh tế phục hồi chậm, nạn thất nghiệp, khủng bố và tình trạng xung đột, bất ổn, bạo lực ở khu vực Trung Đông... Đó là áp lực không nhỏ và là những bài toán khó đối với Tổng thống B.Ô-ba-ma và chính quyền Mỹ trong bốn năm tới, đòi hỏi ông Ô-ba-ma và đảng Dân chủ phải gạt sang một bên những bất đồng đảng phái, bắt tay với đảng Cộng hòa nhằm tìm ra các biện pháp bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com