Sau khi thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai, Nam Phi đã viết nên một trong những câu chuyện kinh tế thành công và năng động nhất của châu Phi. Tuy nhiên, làn sóng đình công của thợ mỏ gần đây đã lần đầu đẩy "đất nước cầu vồng" vào cuộc khủng hoảng. Nguyên nhân và những hậu quả của vấn đề này đang làm Nam Phi "đau đầu".
Từ năm 1996 đến năm 2010, tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ (2 USD/ngày) ở Nam Phi giảm từ 12% xuống 5%. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu của nền kinh tế lớn nhất châu Phi này, có những mặt hạn chế và khó khăn mà nước này phải đương đầu.
Nam Phi bị liệt vào một trong những nước mất cân bằng về giáo dục giữa người da đen và da trắng. Ba phần tư số học sinh da trắng hoàn thành năm cuối cùng bậc trung học, trong khi con số này ở học sinh da đen chỉ là một phần ba. Là một nước có nền giáo dục khá phát triển, song nước này lại đứng thứ 132 trong 144 nước về giáo dục tiểu học, trong khi đó, chuẩn giáo viên thấp. Mỗi năm, Nam Phi cần 25 nghìn giáo viên mới, song chỉ có khoảng 10 nghìn giáo viên đạt chất lượng. Kể từ năm 1995, Nam Phi đã dành 5 đến 7% GDP cho giáo dục và hiện nay là 6,7%. Giáo dục nghèo nàn đồng nghĩa với nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu, dẫn đến hàng nghìn vị trí công việc còn chưa lấp đủ. Khoảng một nửa trong số 95 nghìn việc làm trong các lĩnh vực công vẫn bị bỏ trống. Sự mất cân đối trong giáo dục dẫn tới một nghịch lý, tỷ lệ thất nghiệp cao (25%), trong khi vẫn thiếu nguồn nhân lực cho các vị trí công việc đòi hỏi trình độ cao. Sự mất cân bằng về giáo dục tạo ra sự mất cân bằng về việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở người da đen là 29% so với 6% ở người da trắng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới 50%. Những người trẻ không thể tìm được việc làm ở tuổi 24 thì sẽ khó có cơ hội tìm một công việc ổn định. Theo Ngân hàng Dự trữ nước này, tỷ lệ tăng trưởng của Nam Phi năm 2012 sẽ chỉ là 2,6%. Trong khi những nước như Ni-giê-ri-a và Ăng-gô-la những năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng tới 10%.
Thợ mỏ đình công ở Nam Phi. Ảnh: Internet |
Sự mất cân bằng trong việc làm dẫn đến các vấn đề xã hội khác. Làn sóng đình công ở Nam Phi cũng xuất phát từ những bất cập trong xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao tới 25% ở Nam Phi là do các ngành công nghiệp cần nhiều vốn như khai thác mỏ đang ngày càng sử dụng nhiều máy móc, gây ảnh hưởng nguồn nhân lực. Trong khi đó, các tổ chức nghiệp đoàn đại diện cho quyền lợi chung của nhiều công nhân ra đời khiến họ có điều kiện để đòi hỏi quyền lợi. Điều này dẫn đến quỹ tiền lương phải trả cho công nhân tăng nhanh hơn. Kể từ sau khi xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc năm 1994, lần đầu Nam Phi rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng sau vụ cảnh sát bắn chết 34 thợ mỏ trong cuộc đình công hồi tháng 8 ở gần Ma-ri-ca-na. Kể từ đó, các cuộc đình công bùng phát và lan rộng. Hơn 100 nghìn công nhân mỏ ở Nam Phi đã đình công kể từ tháng 8 vừa qua, khiến quốc gia này thiệt hại hơn 1,2 tỷ USD. Biểu tình, đình công biến thành bạo lực làm gần 60 người thiệt mạng. Nhiều nơi phải đình chỉ hoạt động. Hàng nghìn thợ mỏ bị sa thải. Các cuộc đình công làm suy yếu ngành khai thác mỏ của Nam Phi, một lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của nước này. Làn sóng bãi công trong ngành khai thác mỏ của Nam Phi suốt hai tháng qua đã làm tổn hại uy tín của đất nước vốn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Sự rút vốn tới 643 triệu USD trên thị trường cổ phiếu hồi đầu tháng 10 vừa qua cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm. Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Moody’s đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Nam Phi.
Hiện các mỏ vàng ở Nam Phi đã đạt thỏa thuận với liên đoàn quốc gia thợ mỏ (NUM), theo đó tăng từ 1,5 đến 10,8% lương cho thợ mỏ nhằm kéo họ trở lại làm việc. Tuy nhiên, hơn 10 nghìn thợ mỏ vẫn đe dọa tiếp tục đình công để đòi quyền lợi. Giới phân tích lo ngại, ngành khai mỏ sử dụng 1,3 triệu lao động và đóng góp 19% trong tổng sản lượng của nền kinh tế nước này nên tác động của tình trạng rối loạn trong lĩnh vực này sẽ không nhỏ đối với nền kinh tế lớn nhất châu Phi./.
Theo: nhandan.org.vn