Cơ hội tái hòa nhập cho các tay súng LTTE ở Xri Lan-ca

09:11, 28/11/2012

Sau khi bị quân đội Xri Lan-ca đánh bại hồi năm 2009, hàng trăm tay súng của lực lượng nổi dậy Những con hổ giải phóng Ta-min (LTTE) thay vì cầm súng và đánh bom như trước đây, đang nỗ lực hòa nhập môi trường hòa bình. Trong đó, làm việc trong ngành may mặc được nhiều người lựa chọn.

Tổ chức LTTE là lực lượng vũ trang đòi độc lập cho người Ta-min ở vùng đông-bắc Xri Lan-ca. Cuộc nội chiến kéo dài 26 năm giữa LTTE và quân đội Xri Lan-ca đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế nước này. Sau khi nội chiến kết thúc, Chính phủ Xri Lan-ca đã đầu tư ít nhất 1,1 tỷ USD tại miền bắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp những người một thời cầm súng chống đối tái hòa nhập cộng đồng.

Một nhà cung cấp hàng dệt may cho hãng sản xuất quần áo cao cấp Victoria’s Secret đang mở những lớp dạy nghề may cho các cựu phiến quân LTTE. Những chiến binh đã buông súng này nay đang chăm chỉ làm việc tại nơi từng là chiến trường ở phía bắc Xri Lan-ca. Tại thị trấn Ki-li-nô-chi, thủ phủ chính trị một thời của phiến quân LTTE, nhà sản xuất quần áo MAS Holdings cũng đang xây dựng hai nhà máy và các trung tâm dạy nghề cho các công nhân làm việc trong các dây chuyền sản xuất quần áo, đồ thể thao. Cty này dự kiến thuê khoảng hơn hai nghìn người dân địa phương làm việc khi các nhà xưởng vận hành vào năm 2015. Kế hoạch này mở ra một cơ hội lớn cho các "cựu binh LTTE" được làm việc và tái hòa nhập thị trường lao động. Các nhà quản lý thừa nhận sẽ có nhiều thách thức trong việc thuê những "lao động đặc biệt" này. Theo các chuyên gia y tế, họ phải chịu đựng những chấn thương tâm lý, nhất là trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, kèm theo đó là ký ức xấu về cái chết của hơn 70 nghìn người do xung đột. M.A-ma-lin, Chủ tịch MAS cho biết, Cty này không thể ứng phó tất cả các vấn đề tâm lý của cựu phiến quân LTTE và sẽ phải bố trí người giám sát công việc cho riêng đối tượng này.

Tại một nhà máy dệt, may ở Xri Lan-ca. Ảnh: Internet
Tại một nhà máy dệt, may ở Xri Lan-ca. Ảnh: Internet

Tổng thống M.Ra-gia-pắc-xê cam kết tạo dựng cơ sở hạ tầng và việc làm mới cho người thiểu số Ta-min tại quốc gia Hồi giáo này, như một phần của lời hứa "chia sẻ hòa bình" sau khi kết thúc cuộc nội chiến. Tuy nhiên, ông M.Ra-gia-pắc-xê vẫn bị chỉ trích là "hành động chậm chạp" trong các nỗ lực tái thiết đất nước sau chiến tranh, việc phân cấp quyền lực chính trị cũng bị trì trệ từ khi cuộc xung đột kết thúc. Để giải quyết việc này, con trai của Tổng thống và là người chịu trách nhiệm các dự án phát triển tại khu vực, ông N.Ra-gia-pắc-xê cho biết ông sẽ nỗ lực để có thêm hai nhà máy may mặc mở cửa tại các thị trấn lân cận Ki-li-nô-chi, góp phần đưa giá trị thương mại xuất khẩu hàng may mặc của Xri Lan-ca lên 4,1 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, các lãnh đạo cộng đồng người Ta-min ở Xri Lan-ca cho rằng, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng xa hoa vẫn được xây dựng ở miền nam, thì nạn thất nghiệp lại lan rộng tại miền bắc nước này. Ông N.Vi-thi-át-ha-ran, cựu biên tập viên một tờ báo xuất bản bằng ngôn ngữ Ta-min cho biết: "Bây giờ chúng tôi đã có thêm tủ lạnh, nước ngọt và thậm chí cả điện, nhưng vẫn còn cách biệt lớn giữa hai miền nam và bắc Xri Lan-ca. Sau chiến tranh, cuộc xung đột này chưa thật sự được vượt qua". Một số người Ta-min bản địa trước đây từng làm việc cho các tổ chức từ thiện phương Tây, khi đó họ có khả năng kiếm tiền và trả phí thuê nhà, nhưng bây giờ công việc không có, họ phải sống trong các túp lều bằng vải dầu. Cơ hội việc làm trong ngành may mặc tại các nhà máy sản xuất quần áo và đồ thể thao là niềm hy vọng của cộng đồng thiểu số Ta-min, nhất là các cựu phiến quân LTTE. Đây là chuỗi việc làm đầu tiên sau nội chiến tại Xri Lan-ca, nơi các tổ chức từ thiện và cơ quan cứu trợ vẫn là các nhà tuyển dụng lớn nhất./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com