Cấm vận Cu-ba: Một chính sách lạc hậu

08:11, 16/11/2012

Ngày 13-11, Đại hội đồng LHQ một lần nữa đồng loạt khẳng định ủng hộ nhân dân Cu-ba khi lên án và yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay chính sách đơn phương cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính áp đặt lên nước láng giềng này trong nửa thế kỷ qua.

Nửa thế kỷ, thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD

Đây là năm thứ 21 liên tiếp Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cu-ba” với sự ủng hộ của đa số tuyệt đối (188/193) các nước thành viên LHQ, chỉ có 3 phiếu chống (Mỹ, I-xra-en, Pa-lao) và 2 phiếu trắng (Mi-crô-nê-xi-a, quần đảo Mác-san).

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba Rô-đri-ghết lên án cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cu-ba đủ để xem là một hành động diệt chủng căn cứ theo khoản 2B và C trong Công ước Giơ-ne-vơ năm 1948 về ngăn chặn và trừng phạt tội phạm diệt chủng. Đây là sự vi phạm quyền con người một cách có hệ thống và trắng trợn của chính quyền Mỹ.

Năm 1962, sau thất bại của vụ can thiệp Vịnh Con Lợn, Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận toàn diện với Cu-ba. Kể từ đó, mỗi Tổng thống Mỹ lên cầm quyền đều củng cố lệnh này. Đến năm 1992, Oa-sinh-tơn lại đưa ra Đạo luật Helms-Burton trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài làm ăn giao dịch với Cu-ba.

Khỏi phải nói “bức tường” mà Mỹ dựng lên nhằm cô lập Cu-ba với thế giới bên ngoài đã gây thiệt hại to lớn thế nào với đất nước này. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ Cu-ba cho hay, trong nửa thế kỷ qua, việc phong tỏa của Mỹ đã gây tổn thất tài chính vào hơn 1.000 tỷ USD. Rất nhiều chương trình xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, giao thông vận tải và các dịch vụ khác của Cu-ba đã gặp nhiều khó khăn.

Trong nhiệm kỳ đầu của mình, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã có những quyết định nhằm làm dịu căng thẳng trong quan hệ với Cu-ba. Tuy nhiên, đó chỉ là “muối bỏ biển” vì dù cam kết cải thiện quan hệ với Cu-ba nhưng ông Ô-ba-ma vẫn chưa có ý định dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cu-ba. Theo lời Ngoại trưởng Rô-đri-ghết, thực tế 4 năm qua cho thấy các biện pháp phong tỏa tài chính, thương mại và kinh tế chỉ thắt chặt thêm. Trong khi đó Mỹ cho biết, nước này chưa chuẩn bị để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận cho đến khi nào Cu-ba thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế và chính trị nhiều hơn (!?).

Nước nào trả giá lớn hơn?

50 năm qua, bất chấp sự chống phá và sức ép của lệnh bao vây cấm vận, Cu-ba vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển. Cu-ba đã đạt một số thành tựu về xã hội như bảo vệ sức khỏe toàn dân, giáo dục đại học và phổ thông, bảo đảm lương thực cho người dân... Hầu như không có ai nghĩ rằng, những biện pháp như vậy sẽ giúp Nhà Trắng thực hiện được mục tiêu thay đổi chế độ chính trị ở Cu-ba. Trái lại, ngày càng xuất hiện những tiếng nói đòi Oa-sinh-tơn phải từ bỏ chính sách này. Thậm chí ngay cả những nhân vật chính trị Mỹ có tiếng và nhiều ảnh hưởng cũng đã lên tiếng phản đối chính sách lỗi thời của nước Mỹ với Cu-ba.

Phái đoàn Cu- ba chờ LHQ bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận.  Ảnh: Internet
Phái đoàn Cu - ba chờ LHQ bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận. Ảnh: Internet

Trong khi đó, dù bao vây, cấm vận Cu-ba trong suốt 50 năm qua, nhưng thật trớ trêu, nhiều người Mỹ lại cho rằng, chính nước Mỹ mới phải trả giá lớn hơn vì cuộc cấm vận nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao. Các công ty Mỹ bị thiệt hại hàng tỷ USD vì không làm ăn được với Cu-ba, chưa kể những cơ hội kinh doanh lớn ở Cu-ba trong tương lai, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Ngoài ra, xét về mặt chính trị, chính sách cấm vận chống Cu-ba đã khiến Oa-sinh-tơn mất vị trí ngay tại khu vực từng được coi là "sân sau" của Mỹ, là chướng ngại vật lớn nhất trên con đường cải thiện quan hệ của Mỹ với các nước Mỹ La-tinh. Ngay tại phiên họp ngày 13-11, cộng đồng các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Cu-ba.

Số nước ủng hộ Cu-ba chiếm tuyệt đại đa số thành viên LHQ cho thấy, sự phản đối trên phạm vi toàn cầu trước việc Mỹ tiếp tục cấm vận chống Cu-ba kéo dài qua nhiều đời tổng thống. Phát biểu tại phiên họp hôm 13-11, Đại sứ Phạm Vinh Quang, Phó trưởng Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh Việt Nam chia sẻ quan điểm của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận chống Cu-ba và khẳng định, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cu-ba vi phạm luật pháp quốc tế, các nguyên tắc và tôn chỉ của Hiến chương LHQ như bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và quyền tự quyết của các dân tộc. Đại sứ đồng thời khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết trước sau như một của Việt Nam đối với đất nước Cu-ba anh em.

Cũng như 21 lần trước, vấn đề dỡ bỏ cấm vận chống Cu-ba này vẫn phải chờ HĐBA LHQ “đang xem xét và giải quyết”. Dù tuyệt đại phần lớn các quốc gia thuộc LHQ đã thông qua nghị quyết lên án và yêu cầu xóa bỏ sự cấm vận của Mỹ ở Cu-ba, nhưng do không có tính ràng buộc nên chưa thể buộc Oa-sinh-tơn thay đổi chính sách đối với Cu-ba. Nhưng trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển, chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ chống Cu-ba rõ ràng đã trở nên quá lạc hậu, đi ngược lại trào lưu chung, ngược lại với chính các tuyên bố bảo vệ quyền con người của chính quyền Mỹ./.
 

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com