Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hôm nay lại tiếp tục kêu gọi một số thành viên, đặc biệt là Mỹ hoàn thiện các thủ tục trong nước để thông qua gói cải tổ IMF nhằm trao quyền nhiều hơn cho các quốc gia mới nổi trong thể chế tài chính này.
![]() |
Giám đốc IMF: “Hôm nay, tại Tokyo, một lần nữa tôi hối thúc các nước thông qua gói cải tổ này” (ảnh:Kyodo) |
IMF cũng cảnh báo rằng sự hồi phục kinh tế toàn cầu đang tiến chậm chạp và cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu vẫn tạo ra các nguy cơ tiềm ẩn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong thông cáo phát đi tại cuộc họp ở Tokyo, Ủy ban tài chính và tiền tệ quốc tế của IMF (IMFC) nói: “Chúng tôi khẳng định lại tính cấp bách của việc thực hiện hiệu quả các biện pháp cải tổ quan trọng này và kêu gọi các thành viên chưa thông qua thực hiện các bước đi cần thiết này ngay lập tức”.
“Tăng trưởng toàn cầu đã giảm tốc, tính bất ổn kéo dài và các nguy cơ khó lường vẫn hiện hữu. Các bước chính sách quan trọng đã được thông báo, nhưng việc thực hiện hiệu quả và đúng tiến độ để tái xây dựng lòng tin vẫn quá khó khăn”, IMFC nói.
IMFC bao gồm đại diện từ 24 trong tổng số 188 thành viên của IMF, trong đó có Mỹ, đã cam kết sẽ thúc đẩy cải tổ nhanh chóng và tiến trình quản lý minh bạch.
Chính phủ Mỹ, cổ đông lớn nhất của IMF, được kỳ vọng là sẽ thông qua các thủ tục trong nước của nước này sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng tới.
Gói cải tổ IMF được đưa ra vào năm 2010 nhằm trao quyền lớn hơn cho các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ trong thể chế này. Để gói cải tổ có hiệu lực, cần phải có được sự chấp thuận của ít nhất 113 thành viên, chiếm tổng số 85% quyền biểu quyết IMF.
Hiện tại đã có 113 thành viên thông qua gói cải tổ. Tuy nhiên, bắt buộc phải có sự chấp thuận của Mỹ-nước có 17,67% quyền biểu quyết, để gói cải tổ này được thực hiện.
Trước đó, IMF đã lên tiếng rằng sẽ tập trung thực hiện gói cải tổ trước thềm cuộc họp thường niên của IMF và WB tại Tokyo.
Tại cuộc họp báo sau cuộc họp của IMFC, Giám đốc IMF Christine Lagarde nói ám chỉ tới Mỹ, “Cần phải có không chỉ một hoặc hai nước ấn nút đồng ý đối với gói cải tổ này”.
Song, vẫn chỉ là quan điểm lưỡng lự, Giám đốc Kho bạc Mỹ Timothy Geithner nói trong thông cáo: “Nước Mỹ đã và đang đóng vai trò hàng đầu…trong việc ủng hộ một Quỹ tiền tệ quốc tế mạnh hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ IMF khi thể chế này thích ứng với một hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu phát triển”.
Theo nhandan.com.vn