Dòng tiền đang đổ dồn vào châu Á

08:10, 26/10/2012

Một dòng tiền lớn chảy vào châu Á đã đẩy thị trường chứng khoán, tiền tệ và bất động sản tại khu vực này đồng loạt tăng mạnh, khiến chính phủ nhiều nước châu Á vất vả tìm cách kiểm soát, bởi lo ngại lạm phát sẽ leo thang.

Dòng tiền này là kết quả của các chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh tay mà các ngân hàng trung ương thế giới tung ra, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tháng 9 vừa qua, FED tuyên bố tung ra gói nới lỏng định lượng số 3 (QE3) với hy vọng có thể giúp tăng trưởng kinh tế. Lãi suất thấp kèm với chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã thúc đẩy các nhà đầu tư tiền tệ sục sạo mọi ngóc ngách của châu Á để tìm kiếm các khoản lợi đầu tư tốt hơn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Standard Chartered, trong tháng 9, lượng vốn ngoại đổ ròng vào thị trường trái phiếu của Indonesia là 1,3 tỉ USD, so với mức vốn ròng chảy ra là 540 triệu USD trong tháng 8. Còn lượng vốn ròng từ nước ngoài đổ vào thị trường trái phiếu Hàn Quốc trong tháng 9 là 1,4 tỉ USD, so với mức vốn ròng chảy ra 2,4 tỉ USD trong tháng 8. Standard Chartered dự báo nguồn vốn đầu tư chảy vào châu Á còn tăng cao nếu “dữ liệu kinh tế Trung Quốc tiếp tục ổn định và đồng nhân dân tệ thiết lập xu hướng tăng giá”.

Một dự án xây dựng đang triển khai tại Hồng Kông. Ảnh: Internet
Một dự án xây dựng đang triển khai tại Hồng Kông. Ảnh: Internet

Một số thị trường chứng khoán có quy mô vào hàng nhỏ nhất trong khu vực hưởng lợi lớn từ sự trở lại của các dòng vốn ngoại. Đơn cử, chỉ số chứng khoán của Thái Lan tăng 28% trong năm nay, Philippines tăng 24% và Ấn Độ tăng 23%... Chỉ có chứng khoán của Trung Quốc đại lục lại đi xuống, do giới đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Hồng Kông và Singapore - hai nền kinh tế phát triển nhất tại khu vực châu Á - còn nhận được dòng tiền lớn từ nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản. Giá nhà ở Hồng Kông tăng gấp đôi trong vòng 4 năm trở lại đây. Còn giá nhà tư nhân tại Singapore tăng 56% kể từ khi thị trường chạm đáy của chu kỳ gần nhất vào quý II-2009.

Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đang cảm nhận được làn sóng thanh khoản trong nền kinh tế toàn cầu. Những dòng vốn này còn được thể hiện dưới dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, vốn FDI chảy vào Indonesia đã tăng 22% trong quý III, đạt mức kỷ lục 5,9 tỉ USD. Song một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, lượng thanh khoản lớn đổ vào châu Á sẽ đẩy giá tiêu dùng leo thang, buộc lãi suất phải tăng, đặt tăng trưởng kinh tế vào rủi ro. “Lạm phát sẽ tăng trở lại vào năm tới. Khi nền kinh tế khu vực tăng tốc, với lượng thanh khoản lớn trên toàn cầu, lương tăng và giá cao hơn, lạm phát sẽ là rủi ro số 1 trong khu vực” - ông Frederic Neumann, chuyên gia của HSBC - nhận xét.

Các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia được nhận định dễ có xu hướng lạm phát tăng hơn, trong khi Trung Quốc sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn, bởi nước này có các biện pháp hạn chế dòng vốn chảy vào./.

Theo: laodong.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com