Đương kim Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã có pha “quân bình tỉ số” khá ngoạn mục trong cuộc tranh luận trực tiếp lần hai với đối thủ đảng Cộng hòa M.Rôm-ni vào sáng ngày 17-10 (theo giờ Việt Nam). Cuộc “tái chiến” này diễn ra 13 ngày sau cuộc “so găng” đầu tiên, mà phần thắng được cho là nghiêng về ông Rôm-ni.
Các nội dung chính được đề cập trong cuộc tranh luận lần thứ hai, diễn ra tại hội trường Trường Đại học Hofstra, bang Niu Y-oóc, gồm kinh tế, việc làm, năng lượng, thuế, nhập cư, kiểm soát súng đạn và chỉ lướt qua một vài vấn đề đối ngoại. Cuộc tranh luận lần thứ hai được đánh giá là diễn ra gay gắt hơn cuộc tranh luận ngày 4-10 (giờ Việt Nam) và dưới hình thức trả lời câu hỏi của những cử tri chưa quyết định chọn ai ngồi ở phía dưới hội trường. Điều phối cuộc tranh luận là nữ nhà báo Can-đi Crâu-li của truyền hình CNN.
Xoáy vào điểm yếu
Những phút đầu của cuộc tranh luận trực tiếp được hai đối thủ xoáy vào những điểm yếu của nhau trong lĩnh vực đối nội, như các khoản nợ công, vấn đề tạo việc làm, chính sách phát triển năng lượng. Trong đó, vấn đề việc làm là chủ đề hai bên tranh cãi khá gay gắt. Ông Ô-ba-ma nhấn mạnh thành tích trong 4 năm ông cầm quyền đã tạo ra được 5,2 triệu việc làm. Đáp lại, ông Rôm-ni cho rằng chính sách kinh tế không hiệu quả của chính quyền Ô-ba-ma đã đẩy 20 triệu người vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, đồng thời cam kết sẽ tạo ra 12 triệu việc làm trong 4 năm tới, nếu đắc cử tổng thống.
Tổng thống Ô-ba-ma cáo buộc đối thủ cố tình xuyên tạc các chính sách của chính quyền, đồng thời khẳng định các chính sách đã phát huy hiệu quả. Ông cho rằng đại diện của đảng Cộng hòa là một người không kiên định khi thay đổi lập trường về vấn đề năng lượng, từng phản đối việc khai thác than đá, nhưng nay lại chuyển sang ủng hộ việc này. Đáp lại, cựu Thống đốc Rôm-ni cho rằng Nhà Trắng phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay và chỉ trích ông Ô-ba-ma về cách thức quản lý nền kinh tế, khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh. Theo chính khách này, đã đến lúc nước Mỹ cần một nhà lãnh đạo mới.
Hai đối thủ cũng tranh cãi bất phân thắng bại trong vấn đề cắt giảm hay tăng thuế, kiểm soát súng đạn, trợ cấp cho phụ nữ, chính sách nhập cư và các vấn đề phúc lợi y tế.
Căng thẳng vấn đề đối ngoại
Hai chủ đề đối ngoại được đề cập là vụ người biểu tình sát hại Đại sứ và 3 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Li-bi và quan hệ thương mại với Trung Quốc. Trong đó, phần tranh luận về cách xử lý vụ tấn công sứ quán Mỹ ở Li-bi được cho là khoảnh khắc căng thẳng nhất. Thậm chí, hai ứng viên không ngần ngại chỉ thẳng tay vào mặt nhau để chỉ trích.
![]() |
Đương kim Tổng thống Ô-ba-ma và ứng cử viên Rôm-ni trong buổi tranh luận tối 17-10. Ảnh: Roi-tơ |
Ông Rôm-ni chỉ trích chính quyền Ô-ba-ma xem nhẹ việc tăng cường bảo đảm an ninh cho các nhân viên ngoại giao Mỹ, trong khi Tổng thống Ô-ba-ma cáo buộc đối thủ "chơi không đẹp" khi khai thác vụ tấn công để ghi điểm chính trị. Ông Rôm-ni đáp trả mạnh mẽ khi nhấn mạnh chính sách về Trung Đông của chính quyền Ô-ba-ma "đang đổ vỡ".
Ứng cử viên đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền Ô-ba-ma "không mạnh tay trong quan hệ với Trung Quốc, để nước đông dân nhất thế giới này thao túng tiền tệ, gây tổn hại tới sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ". Ông Ô-ba-ma phản công lại, cáo buộc ông Rôm-ni khi là Giám đốc Cty tư nhân Bain Capital đã đi đầu trong nỗ lực "xuất khẩu việc làm của người Mỹ sang Trung Quốc".
Chiến thắng vì trả lời sắc sảo?
Theo đánh giá chung của giới phân tích, trong lần "cân não" này, Tổng thống Ô-ba-ma đã thể hiện một phong cách mạnh mẽ hơn hẳn so với lần đầu và ông trở thành người ấn định "cuộc chơi". Đương kim Tổng thống Mỹ đã lật ngược thế cờ để giành chiến thắng. Giôn Pít-ni, giáo sư Đại học Claremont McKenna, thừa nhận tổng thống đương nhiệm đã có một "sô diễn" hay hơn hẳn những gì ông đã thể hiện ở Đen-vơ.
Thăm dò của CNN phối hợp với Hãng khảo sát ORC ngay sau cuộc tranh luận cho thấy, 46% người theo dõi qua truyền hình cho rằng ông Ô-ba-ma đã chiến thắng trong cuộc tranh luận, trong khi 39% ủng hộ ứng viên Rôm-ni. 73% bày tỏ ông Ô-ba-ma đã thể hiện tốt hơn họ mong đợi, 37% ý kiến nhận xét tương tự về ông Rôm-ni. Một cuộc thăm dò nhanh của CBS News cũng cho thấy 37% cử tri đánh giá ông Ô-ba-ma chiến thắng tranh luận lần này, so với 30% đánh giá cao ông Rôm-ni. 33% ý kiến cho rằng hai đối thủ bất phân thắng bại. Cử tri cũng cho rằng Tổng thống Ô-ba-ma đã thu hẹp khoảng cách với ứng viên Rôm-ni về khả năng xử lý các khó khăn kinh tế.
Như vậy, đến nay, sau 2 cuộc tranh luận trực tiếp trong số 3 cuộc tranh luận trước ngày bầu cử 6-11, "tỷ số" giữa Tổng thống Ô-ba-ma và ông Rôm-ni dường như đang là "hòa 1-1". Sau hai cuộc "so găng", thế cân bằng đã được xác lập và giờ đây, mọi sự chú ý sẽ dồn vào cuộc "cân não" cuối, nói về chính sách ngoại giao, diễn ra vào ngày 22-10 tới ở Phlo-ri-đa./.
Theo: qdnd.vn