Bất đồng xuất hiện giữa các chủ nợ của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), khi lần đầu trong hơn ba năm qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ trích chính sách khắc khổ áp dụng rộng rãi ở khu vực này. Biện pháp giảm bội chi ngân sách mà "đầu tàu" Đức khẳng định là "giải pháp duy nhất" để cắt "cơn sốt nợ công" lại bị IMF gọi là chính sách sai lầm.
Phát biểu ý kiến bên lề Hội nghị mùa thu của IMF và WB tại Tô-ki-ô (Nhật Bản) vừa qua, Tổng Giám đốc IMF C.La-gác-đơ cho rằng, thay vì giảm bội chi ngân sách một cách triệt để, vẫn cần có thêm thời gian để đạt được các mục tiêu mong muốn. Bà La-gác-đơ không ngần ngại chỉ đích danh yêu cầu của Liên hiệp châu Âu (EU) bằng mọi giá phải giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP là "một sai lầm". Ngay lập tức, Bộ trưởng Tài chính Đức V.Soi-blơ đáp trả rằng, giảm nợ công, giảm bội chi ngân sách là giải pháp duy nhất đưa Eurozone thoát khỏi khủng hoảng; và Eurozone không có sự lựa chọn nào khác. Quan điểm của IMF chỉ trích các biện pháp khắc khổ cho thấy rạn nứt đầu tiên trong "bộ ba chủ nợ" của Eurozone (gồm EU, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu - ECB), kể từ khi khủng hoảng nợ công nổ ra ở khu vực này hơn ba năm trước.
![]() |
Người lao động Hy Lạp phản đối các điều kiện cứu trợ của "bộ ba chủ nợ". Ảnh: Internet |
IMF điều chỉnh lập trường về chính sách kinh tế vĩ mô của châu Âu là có lý do. Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới IMF tung ra trước thềm hội nghị ở Tô-ki-ô dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục hạ, nhất là Eurozone. GDP của khu vực này chỉ tăng 0,4% năm nay (giảm so mức dự báo 0,7% trước đó) và 0,2% năm 2013. Điều đáng lo ngại là nền kinh tế đầu tàu khu vực là Đức cũng chỉ tăng trưởng mức 0,9% trong cả hai năm, thấp hơn nhiều so mức IMF dự báo hồi tháng 7. Tăng trưởng kinh tế Pháp chỉ nhỉnh hơn con số 0% chút ít, còn tăng trưởng của Tây Ban Nha và I-ta-li-a xuống mức âm.
Theo IMF, một phần nguyên nhân dự báo bi quan về tăng trưởng các nền kinh tế Eurozone là các biện pháp siết chặt chi tiêu, nhằm đáp ứng yêu cầu hạ thâm hụt ngân sách dưới mức trần 3% GDP. IMF chỉ rõ, Hy Lạp - mắt xích yếu kém nhất trong liên minh gồm 17 thành viên này - không có cách nào để thực hiện cam kết đưa thâm hụt ngân sách hiện ở mức 7,3% GDP (tài khóa 2012) xuống 2,1% vào năm 2014. A-ten cần thêm thời gian ít nhất hai năm (như đề nghị của Thủ tướng Hy Lạp A.Xa-ma-rát) mới có thể hoàn thành cam kết này. Vì thế, dù Hy Lạp sẽ "cạn sạch" tiền vào tháng 11 tới và EU quyết tâm tránh một đợt rối loạn mới trên thị trường tác động xấu tới các nền kinh tế khu vực, các cuộc đàm phán về điều khoản vay nợ giữa "bộ ba" với A-ten, giúp Hy Lạp loại bỏ nguy cơ vỡ nợ vào đầu năm 2013, vẫn chưa hoàn toàn khai thông.
Quan điểm cho rằng các biện pháp khắc khổ đe dọa trực tiếp tăng trưởng của Eurozone được nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ. Phát biểu ý kiến trên đài RFI, Giáo sư P.Đoi-phin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bruegel của Bỉ, cho rằng, IMF không phủ nhận tính chính đáng và cần thiết của việc cắt giảm chi tiêu nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công. Nhưng, thách thức đặt ra là áp dụng các biện pháp đó như thế nào để tránh phương hại tăng trưởng kinh tế. Theo Giáo sư Doi-phin, chính sách khắc khổ quá mạnh tay không phải liều thuốc hữu hiệu để lấy lại cân bằng ngân sách, hay giảm nợ công; ngược lại, nó tác động xấu tăng trưởng kinh tế. Tờ Les Echos dẫn ý kiến chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh kinh tế Eurozone tuột dốc không phanh, biện pháp giảm mạnh chi tiêu công và tăng thuế không giúp giải quyết nợ, mà chỉ khiến mục tiêu cân bằng ngân sách thêm xa vời...
Báo cáo của IMF về tình trạng tài chính toàn cầu lưu ý, điều chỉnh ngân sách nhà nước phải phù hợp tình hình kinh tế. Tuyên bố này gửi thông điệp tới Brúc-xen rằng, đã đến lúc "nhẹ tay" hơn với các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng", nếu không muốn tăng trưởng của khu vực lùi dần về số không. Siết chặt quản lý ngân sách để trấn an giới đầu tư rằng, châu Âu quyết tâm theo đuổi các nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Li-xbon, nhưng nếu quá mạnh sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, yếu tố không kém phần quan trọng giúp lấy lại niềm tin của thị trường./.
Theo: nhandan.com.vn