Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền với Điếu Ngư/Senkaku

05:09, 15/09/2012

Tân Hoa Xã đưa tin, sáng nay Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA) đã công bố một loạt các tọa độ địa lý của quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và một số các đảo phụ cận, một động thái mới nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản hiện nay.

SOA thông báo chi tiết kinh độ và vĩ độ chính xác của đảo Điếu Ngư/Senkaku và 70 hòn đảo phụ cận, đồng thời xuất bản các bản đồ vị trí, biểu đồ ba chiều và các bản đồ tóm tắt quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

 Người dân Trung Quốc phản đối bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh (ảnh: AFP)
Người dân Trung Quốc phản đối bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh (ảnh: AFP)

Trong thông cáo trên webside của mình, SOA cho biết tuyên bố này nhằm giúp công chúng hiểu về thông tin đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận.

Tuyên bố mới nhất này được đưa ra sau khi chính phủ Trung Quốc hồi đầu tuần đã công bố các điểm cơ bản và đường cơ bản tại “vùng nước lãnh thổ” chung quanh quần đảo ĐIếu Như, cũng như tên và tọa độ của 17 điểm cơ sở.

Trong ngày thứ năm, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đã có cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và trình bản tuyên bố đường cơ sở chung quanh quần đảo Điếu Ngư của chính phủ Trung Quốc tới LHQ.

Hôm qua, Tân Hoa xã dẫn lời của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sự an toàn cá nhân của các công dân Nhật Bản tại Trung Quốc được bảo đảm theo luật pháp.

Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp lại có một số thông tin rằng một số công dân Nhật Bản bị tấn công tại Thượng Hải gần đây khi căng thẳng giữa hai nước chung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku leo thang.

“Người phát ngôn Hồng Lỗi nói: Chính phủ Trung Quốc ủng hộ người dân Trung Quốc bày tỏ nhu cầu chính đáng và phù hợp với luật pháp của họ, đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một đất nước tuân thủ pháp luật.”, Tân Hoa Xã dẫn lời.

Theo Tân Hoa Xã, ông Hồng Lỗi cũng nhấn mạnh rằng tình trạng căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản hoàn toàn do phía Nhật Bản. Ông Hồng Lỗi yêu cầu phía Nhật Bản rút lại quyết định mua đảo và trở lại hướng đối thoại và đàm phán.

“Người dân Trung Quốc không phản đối công dân Nhật Bản mà chỉ kiên quyết phản đối hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và hành động khiêu khích bừa bãi của lực lượng cánh hữu của chính phủ Nhật Bản” người phát ngôn Hồng Lỗi nói.

 

Nói về việc sáu tàu hải giám của Trung Quốc tới vùng nước chung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Người phát ngôn Trung Quốc nói: “Tàu khảo sát của Trung Quốc tuần tra và tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật ở các vùng nước này là bình thường”, “và phía Trung Quốc sẽ không chấp nhận sự phản đối của Nhật Bản về vấn đề này”.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đã có chiều hướng xấu đi khi các cuộc phản đối chính phủ Nhật Bản của người dân Trung Quốc đã có những dấu hiệu quá khích.

Hãng thông tấn Kyodo, báo Japan Today đưa tin đến sáng nay, các cuộc phản đối của người dân Bắc Kinh trước cổng Đại sứ quán Nhật Bản tại đây đã chuyển thành quá khích. Hàng ngàn người phản đối đứng trước cổng Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh với cờ và các biểu ngữ phản đối chính phủ Nhật Bản. Một số người đã ném đá, chai lọ vào tòa nhà sứ quán trong khi cảnh sát cố gắng ngăn chặn những người này.

Hãng thông tấn Kyodo cho hay, một số người quá khích còn đập phá các loại xe ô tô do Nhật Bản sản xuất. Theo các nguồn tin ban đầu có khoảng hơn 40 nghìn người Trung Quốc tại hơn 20 thành phố trên khắp đất nước này tham gia vào các cuộc phản đối chính phủ Nhật Bản.

Tại Thượng Hải, các đường phố chung quanh Lãnh sự quán Nhật Bản tại đây cũng đã được phong tỏa. Hàng trăm cảnh sát đứng bao vây và chỉ có phép một số người tụ tập phản đối ôn hòa. Các cuộc phản đối Nhật Bản cũng nổ ra tại một số thành phố ở Trung Quốc như Tây An, Tô Châu, Nam Ninh, Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam.

Trước tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang, Chính phủ Nhật Bản đã lập tức yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao rút ngắn chuyến thăm Australia, nhanh chóng quay về Tokyo trong sáng nay để giải quyết tình hình.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com