Nếu không phải là người làm công việc dạy tiếng Việt cho trẻ em trên đất Hoa Kỳ, có lẽ không mấy ai biết trong số hành trang mang sang xứ người, có một sinh hoạt mang đậm nét văn hóa chữ nghĩa và luôn được duy trì từ nhiều năm qua. Trung tuần tháng 8-2012 vừa qua, khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm hè 2012 do Ban Đại diện các Trung tâm tiếng Việt khu vực Nam California tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Cộng đồng Coastline ở Westminster, thu hút gần 200 thầy cô giáo giảng dạy tiếng Việt từ khắp nơi trên đất Mỹ tham dự.
Thầy Vũ Hoàng, trưởng ban tổ chức khóa huấn luyện và tu nghiệp sư phạm tiếng Việt, cho biết: "Tùy từng năm và tình hình kinh tế mà số thầy cô tìm về tham gia huấn luyện đông hay ít. Lúc đông khoảng 300-350 thầy cô. Năm nay ít hơn với chừng 200 thầy cô song đây cũng là lần đầu tiên không có các thầy cô từ nước khác không phải Hoa Kỳ tham gia. Chương trình huấn luyện sư phạm của chúng tôi chia làm hai phần. Phần căn bản nhằm huấn luyện cho các thầy cô chưa có căn bản giảng dạy tiếng Việt. Phần thứ hai là phần tu nghiệp dành cho thầy cô đã có ít nhiều kinh nghiệm rồi đến đây tìm hiểu thêm những kiến thức mở rộng để giảng dạy tiếng Việt cho các em phong phú hơn, giúp các em hiểu biết bằng tiếng Việt nhiều hơn”.
Một lớp học tiếng Việt dành cho trẻ em ở Hoa Kỳ. Ảnh: Internet |
Nhìn vào chương trình huấn luyện tu nghiệp sư phạm trong thời gian 3 ngày, mới thấy rõ chuyện giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ quan trọng ra sao. Không chỉ đơn giản là người biết tiếng Việt dạy cho người không biết tiếng Việt, mà người dạy phải biết, nắm vững về nguồn gốc, phương pháp giảng dạy tiếng Việt như thế nào. Các tài liệu như "Phương pháp giảng dạy Việt ngữ”, "Phương pháp tập đọc và tập làm văn”, "Dùng âm nhạc/hội họa để dạy tiếng Việt”, "Cách dùng từ ngữ tiếng Việt”, "Ngữ âm và cách ráp vần tiếng Việt”, "Văn phạm tiếng Việt”, "Viết đúng chính tả tiếng Việt”, "Ngữ vựng tiếng Việt”... là một số trong toàn bộ kiến thức mà các thầy cô giáo dạy tiếng Việt từ khắp nơi ở Hoa Kỳ sẽ được cung cấp thêm trong dịp này.
Với lần thứ 5 tham dự lớp huấn luyện và tu nghiệp sư phạm, thầy Văn Phú Trạch, thuộc trường Việt ngữ Midway City, từng có trên 15 năm đứng lớp giảng dạy tiếng Việt, chia sẻ: "Tôi rời Việt Nam lúc 13 tuổi, sống ở đây khá lâu. Trong gia đình cha mẹ cũng thường xuyên dạy nói tiếng Việt. Sau này tôi giúp việc giảng dạy tiếng Việt cho các em với tôi khóa tập huấn này là rất thiết thực”. Tương tự, cô Trần Huyền Nga, thuộc Trung tâm Việt ngữ Minh Đức tâm sự rằng việc cô trở thành giáo viên dạy tiếng Việt suốt 8 năm qua xuất phát từ lý do "cho ba đứa con nhỏ đi học tiếng Việt để chúng biết gìn giữ, hiểu được tiếng Việt. Rồi tiếp theo nhận thấy mình cũng có thể góp phần giúp ích được cho cộng đồng điều gì đó nên ghi tên tham gia dạy tiếng Việt từ lúc ấy!”
Bên cạnh những người có quá trình dạy tiếng Việt lâu dài như thế, cũng có những thầy cô còn rất trẻ cũng tham gia lớp học này như hai chị em Vũ Đỗ Diễm Trang và Trần Đông Hải đang định cư tại bang Maryland. Diễm Trang đang là sinh viên đại học năm thứ ba, còn Đông Hải chuẩn bị vào lớp 12. Cả hai bạn đều đi giảng dạy tiếng Việt cho những em nhỏ hơn vì "thiếu người dạy giáo lý tiếng Việt ở nhà thờ”. Nhưng từ bước đi chập chững này, các bạn cảm thấy ngày càng gắn bó hay như cách nói của Diễm Trang "muốn đóng góp chút ít sức mình vào việc giúp đỡ cho các em biết thêm tiếng Việt để chúng không bao giờ quên những gì thuộc về truyền thống văn hóa của nước mình”. Cả hai bạn đã tiếp tục gắn bó và muốn nâng cao thêm phương pháp dạy tiếng Việt của mình khi đến tìm với khóa huấn luyện sư phạm.
Diễm Trang còn thổ lộ thêm: "Trước khi đứng lớp dạy chính thức, em đã được đi theo một cô giáo học thêm cách giảng dạy rồi về nhà soạn giáo án riêng cho mình trước khi lên lớp. Giờ đây em muốn biết nhiều thứ hơn để giảng dạy cho học trò của mình, nên em tìm đến học lớp này”. Còn với Đông Hải: "Em tham dự lớp học này vì muốn trau dồi thêm nhiều kiến thức, cách giảng dạy của mình. Ngoài ra em cũng muốn tập luyện cho mình ngày càng mạnh dạn hơn, để khi ra đứng lớp kiến thức và cách truyền đạt của mình thuyết phục được học trò”.
Dạy tiếng Việt cho trẻ em tại Hoa Kỳ chưa bao giờ là mục đích kiếm sống của những người đang làm công việc này. Tất cả chỉ xuất phát từ những suy nghĩ: Cố gắng gìn giữ, bảo tồn và phát huy tiếng Việt tại xứ người…
Theo: daidoanket.vn