Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng trở nên nóng hơn khi ngày 12-9, Đài tiếng nói Hoa Kỳ dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, lực lượng Cảnh sát Biển sẽ được huy động “khi 2 tàu hải giám Trung Quốc đến hoặc ít nhất là tiến tới gần hơn” những hòn đảo do Nhật Bản kiểm soát. Trước đó, ngày 11-9, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đã cử hai tàu hải giám đến quần đảo tranh chấp Xen-ca-cư/Điếu Ngư sau khi chính phủ Nhật Bản thông báo đã ký hợp đồng với chủ sở hữu tư nhân để quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo này.
Thêm vào đó, Tân Hoa xã cho biết, biểu tình đã đồng loạt diễn ra ở Thủ đô Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Sơn Đông trong ngày 11-9 nhằm phản đối Nhật Bản mua quần đảo tranh chấp. Sáng 11-9, khoảng 20 nhà hoạt động đứng trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh giương các biểu ngữ phản đối, đòi “trả lại Điếu Ngư”. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc đã lập hàng rào cảnh sát vây quanh Đại sứ quán từ sáng sớm. Căng thẳng Trung - Nhật đã lan sang cả các hoạt động giao lưu nhân dân. Cùng ngày, cuộc họp báo liên quan đến giải ma-ra-tông quốc tế thường niên ở Thượng Hải do một Cty Nhật Bản tài trợ đã đột ngột bị dừng lại trong khi khoảng vài chục người biểu tình đứng trước Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Thượng Hải và Quảng Châu bày tỏ phản đối Nhật Bản.
Tranh chấp liên quan đến quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã có từ nhiều thế kỷ nay và là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ giữa hai nước nhiều lần rơi vào căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản được châm ngòi từ sự kiện hồi tháng 8, khi các nhà hoạt động Trung Quốc đặt chân lên quần đảo mà Nhật Bản gọi là Xen-ca-cư còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát. Những người Trung Quốc sau đó bị chính quyền Nhật bắt và trục xuất về nước. Vài ngày sau, nhiều nhà hoạt động Nhật Bản cũng treo cờ nước mình trên chính đảo này, gây ra những cuộc biểu tình khắp Trung Quốc.
Một trong các đảo thuộc quần đảo tranh chấp Xen-ca-cư/Điếu Ngư. Ảnh: AP |
Theo hãng tin Kyodo, 4 trong số 5 hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư hiện thuộc sở hữu tư nhân. Tại đây, gia đình Cu-ri-ha-ra sở hữu 4 đảo từ nhiều thập niên. Hòn đảo thứ năm do Nhà nước Nhật Bản quản lý. Khu vực biển thuộc quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư được đánh giá là dồi dào nguồn hải sản và có thể có trữ lượng lớn về dầu khí. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố, Trung Quốc đã làm chủ quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư trong vòng 5 thế kỷ trong khi Tô-ki-ô đáp lại là ngay từ cuối thế kỷ 19, doanh nhân Nhật Bản Tát-su-hi-rô Cô-ga đã đến các hòn đảo không có người ở này để lập hai phân xưởng nhỏ, sơ chế thịt cá ngừ và thu thập lông hải âu. Sau khi quân đội Nhật Hoàng bại trận, các hòn đảo này trực thuộc địa phận Thành phố Ô-ki-na-oa, đặt dưới sự quản lý của quân đội Mỹ. Đến năm 1972, khi quân đội Mỹ trả lại Ô-ki-na-oa cho chính quyền Nhật Bản quản lý, thì quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư cũng được trả lại cho ông Den-gi, con trai ông Tát-su-hi-rô Cô-ga, chủ sở hữu. Do không có người kế thừa, ông Den-gi đã bán lại cho gia đình Cu-ri-ha-ra vốn là chỗ thân quen từ lâu đời. Hiện nay, ông Ku-ni-ô-ki, con cả trong gia đình Cu-ri-ha-ra sở hữu 3 hòn đảo và cho Chính phủ Nhật Bản thuê với giá 25 triệu yên mỗi năm. Hòn đảo thứ tư thuộc sở hữu của em gái ông Ku-ni-ô-ki và cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản thuê.
Những căng thẳng ngoại giao xung quanh quần đảo tranh chấp đang ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới này. Các số liệu thống kê mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm qua, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm. Xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu tăng khiến thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc tăng lên 17,62 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, so với mức thâm hụt 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, hợp tác thương mại - đầu tư giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể tiếp tục đi xuống khi chưa giải quyết được vấn đề chủ quyền quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư.
Trong một diễn biến có liên quan, AFP đưa tin, ngày 11-9, trước tình hình căng thẳng tăng cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp quần đảo Xen-ca-cư/Điếu Ngư, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Cớt Cam-ben đã kêu gọi hai nước giảm căng thẳng. Ông Cam-ben nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn đưa ra vào cuối tuần qua khi kết thúc chuyến thăm châu Á, rằng sự bình tĩnh là điều quan trọng vì khu vực Đông Á là động lực của kinh tế toàn cầu. “Chúng tôi tin rằng, đối thoại và duy trì hòa bình, an ninh luôn là điều tối quan trọng, đặc biệt là trong tình hình hiện nay”, ông Cam-ben nói. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định, Oa-sinh-tơn không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực châu Á./.
Theo: qdnd.vn