Quan hệ giữa I-ran và Ca-na-đa đang rơi vào khủng hoảng sau khi Ốt-ta-oa tuyên bố đình chỉ quan hệ ngoại giao với I-ran. I-ran cũng tuyên bố sẽ đáp trả "ngay lập tức và mạnh mẽ" với quyết định trên của Ca-na-đa.
Theo thông báo của Ngoại trưởng Ca-na-đa Giôn Ba-ớt, Ca-na-đa đã đóng cửa Đại sứ quán nước này tại I-ran, đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao với I-ran, cũng như trục xuất toàn bộ các nhà ngoại giao I-ran hiện có mặt tại Ca-na-đa trong vòng 5 ngày. Ngoài ra, Ca-na-đa cũng nâng cấp cảnh báo công dân nước này cần tránh hoàn toàn việc tới I-ran.
Tuyên bố của ông Ba-ớt nêu rõ, Ca-na-đa coi Chính phủ I-ran là "mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình và an ninh toàn cầu", đồng thời chỉ trích thái độ thù địch chống I-xra-en và "hỗ trợ quân sự" cho chính quyền Tổng thống Xy-ri Ba-sa an Át-xát cũng như là "nhà nước bảo trợ khủng bố". “Do vậy, Ca-na-đa không thể duy trì sự hiện diện ngoại giao tại I-ran, bởi với Ca-na-đa, an toàn của các nhà ngoại giao là ưu tiên số một”, ông Ba-ớt nói.
Đại sứ quán I-ran tại Ốt-ta-oa bị đóng cửa từ ngày 7-9. Ảnh: AP |
Ca-na-đa không phải là quốc gia đầu tiên đình chỉ quan hệ với I-ran. Trước đó, Anh cũng đã đóng cửa Đại sứ quán tại Tê-hê-ran từ tháng 11 năm ngoái sau khi bị người biểu tình I-ran xâm nhập. Trong khi đó, Mỹ và I-ran đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao từ năm 1979.
Phản ứng trước quyết định trên của Ca-na-đa, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội I-ran, ông A-la-ết-đin Bô-ru-giê-đi tuyên bố: "Vì lợi ích quốc gia I-ran, Bộ Ngoại giao I-ran cần phải đáp trả các biện pháp của Ca-na-đa". Theo ông, bước đầu tiên là trục xuất các nhân viên của Đại sứ quán Ca-na-đa tại Tê-hê-ran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran Ra-min Mê-man-pa-rát cũng cáo buộc Ca-na-đa theo chân các chính sách của Anh và I-xra-en đối với I-ran. Hãng thông tấn IRNA của I-ran dẫn lời ông Mê-man-pa-rát cho biết, Chính phủ Ca-na-đa đã áp đặt "nhiều biện pháp thù địch" chống lại đất nước I-ran và nhân dân I-ran đang sống tại Ca-na-đa, và thái độ "thù địch" của Chính phủ Ca-na-đa hiện nay đối với I-ran thực chất là theo chân các chính sách của Anh và I-xra-en. Trong những năm qua, Ca-na-đa là một tác nhân tích cực đòi áp đặt trừng phạt chống I-ran, ngăn cản các thỏa thuận về thương mại và tài chính với các thực thể và cá nhân I-ran nhằm buộc Tê-hê-ran chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến làm giàu u-ra-ni.
Sức ép chống Tê-hê-ran ngày một tăng khi tại cuộc họp của ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) tại đảo Síp, Anh, Pháp và Đức đã kêu gọi các nước khác trong EU nhất trí áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống I-ran, sau khi những cuộc đàm phán giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức), về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran đã không mang lại bất kỳ kết quả đột phá nào. Hồi tháng 7 vừa qua, EU đã quyết định ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ I-ran nhằm gây sức ép buộc Tê-hê-ran phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Hiện Mỹ cũng đang gia tăng áp lực ngoại giao để cô lập kinh tế I-ran./.
Theo: qdnd.vn