Với việc chấp nhận sự đề cử làm đại diện của đảng Dân chủ ra tranh cử nhiệm kỳ hai tổng thống Mỹ, đương kim Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) sẽ cùng ông Mít Rôm-ni (Mitt Romney), ứng cử viên đảng Cộng hòa, chạy đua vào Nhà trắng tháng 11 tới. Như vậy, từ nay đến trước ngày bầu cử sẽ là khoảng thời gian để hai ông cùng liên danh Phó tổng thống của mình “so găng” giành giật lá phiếu ủng hộ của các cử tri.
Đề cập một cách khôn ngoan hàng loạt vấn đề đang được cử tri Mỹ đặc biệt quan tâm, bài phát biểu chấp nhận sự đề cử của ông Ô-ba-ma đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều chính khách và cử tri. Trong bài phát biểu chấp nhận sự đề cử, Tổng thống Ô-ba-ma đặc biệt nhấn mạnh những thách thức và khó khăn chồng chất khi lên cầm quyền đầu năm 2009. Đó là việc tiếp quản hệ quả của cuộc đại khủng hoảng nặng nề nhất trong hơn 60 năm qua. Đương kim tổng thống Mỹ khẳng định, tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng trong hơn ba năm qua, nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất và đang trên đà phục hồi; đồng thời kêu gọi người dân Mỹ kiên nhẫn với việc tái xây dựng nền kinh tế còn khá yếu của đất nước.
Biện pháp ông Ô-ba-ma đưa ra là thay đổi bộ luật thuế, theo đó các tập đoàn và thiểu số những người giàu có phải đóng thuế cao hơn để chính phủ có thêm nguồn thu cho đầu tư và bảo đảm sự công bằng xã hội; tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Cặp liên danh Tổng thống và Phó tổng thống Ô-ba-ma/Giô Bai-đơn tại phiên bế mạc Đại hội đảng Dân chủ ngày 6-9. Ảnh: AP |
Về đối ngoại và an ninh, ông Ô-ba-ma cam kết tiếp tục coi việc bảo đảm an ninh cho nước Mỹ là ưu tiên tối cao, xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh, củng cố các liên minh và đồng minh, ngăn chặn phổ biến hạt nhân và phổ biến cái gọi là "các giá trị Mỹ"...
Theo nhìn nhận của dư luận, trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Ô-ba-ma đã gặt hái được một số thành công, nhất là trong chính sách đối ngoại như thực hiện cam kết rút hết quân khỏi I-rắc và đang từng bước rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan; cổ vũ cho cái gọi là "Mùa Xuân A-rập" lần lượt lật đổ một số chế độ lâu đời ở Trung Đông - Bắc Phi và đặc biệt là sự kiện lính biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Ô-sa-ma Bin La-đen đầu tháng 5-2011. Đây là những điểm sáng trong chính sách đối ngoại của ông Ô-ba-ma, được công chúng Mỹ ghi nhận.
Tuy nhiên, dù có nhiều thuận lợi, nhưng nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Ô-ba-ma cũng gặp không ít trở ngại. Nền kinh tế Mỹ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, được xác định là vật cản lớn nhất trong tiến trình trụ lại quyền lực của ông Ô-ba-ma. Một con số đáng buồn là ngày 4-9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nợ công của nước này đã vượt con số 16.000 tỷ USD, tăng gần 1000 tỷ USD so với năm ngoái và tương đương 104% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Mỹ. Đây là con số đáng báo động vì đã gần chạm mức 16.390 tỷ USD, mức trần nợ công mà chính quyền Mỹ hồi năm ngoái đã rất khó khăn mới tăng lên được. Nợ công tăng cũng đồng nghĩa với việc mỗi người dân Mỹ phải gánh khoản nợ hơn 50.000 USD.
Theo kết quả các cuộc thăm dò mới đây, có tới 64% cử tri cho rằng, nước Mỹ đang chệch hướng và tới 54% số người không đồng tình với các chính sách kinh tế của chính quyền. Đây chính là cơ sở để đối thủ Mít Rôm-ni tận dụng công kích ông Ô-ba-ma với lời cảnh báo "sẽ là sai lầm lớn nếu ông Ô-ba-ma đảm nhiệm chức vụ tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa”.
Theo qdnd.vn