Ngày 14-8 đánh dấu tròn 100 ngày cầm quyền trong nhiệm kỳ mới trên cương vị Tổng thống Nga của ông V.Pu-tin (V.Putin). Đó không phải là quãng thời gian dài, nhưng có thể nói, dấu ấn mà ông V.Pu-tin để lại là không hề nhỏ, trong đó nổi bật nhất vẫn là sự ưu tiên đáng kể cho chính sách đối ngoại, khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế và sự quan tâm nhiều hơn đến quá trình hiện đại hóa quân đội.
Ông V.Pu-tin chính thức nhậm chức Tổng thống Nga ngày 7-5-2012 và đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông sau hai nhiệm kỳ trước đó từ năm 2000 đến năm 2008. Hình ảnh một V.Pu-tin tràn đầy sức sống như vẫn còn nguyên vẹn khi ngay trong ngày nhậm chức, nhà lãnh đạo này đã tham gia một trận đấu giao hữu khúc côn cầu. Cả những người ủng hộ hay chống đối ông V.Pu-tin đều phải thừa nhận ở ông vẫn chưa hề có sự thay đổi dù là nhỏ nhất. Như để chứng minh cho nhận định trên, cựu nghị sĩ Đảng Nước Nga thống nhất Xéc-gây Ma-rơ-cốp (Sergei Markov) đã nói: “Về bản chất, không có bất kỳ điều gì thay đổi. Ông V.Pu-tin đã từng khẳng định rằng, ông sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách cũ và đó cũng là lý do tại sao các cử tri Nga bỏ phiếu ủng hộ ông ấy tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3”.
Ông V. Pu-tin tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Lực lượng Không quân Nga ngày 12-8. Ảnh: RIA Novosti |
Xét một cách toàn diện, 100 ngày vừa qua cũng đã cho thấy sự ưu tiên của ông V.Pu-tin trong chính sách đối ngoại nhằm mục tiêu củng cố và tăng cường vị thế của Mát-xcơ-va trên thế giới. Điều này được thể hiện qua các chuyến thăm tới nhiều nước như: Đức, Pháp, Trung Quốc và một số quốc gia khác ở châu Âu. Chỉ riêng trong ngày 1-6, ông V.Pu-tin đã lần lượt tới Béc-lin và Pa-ri để tham gia các cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức A.Méc-ken (A.Merkel) và tân Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ (F.Hollande). Chưa đầy một tuần sau đó, nhà lãnh đạo nước Nga lại có chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc để gặp gỡ và hội đàm với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tiếp đến, ngày 18-6, ông V.Pu-tin có cuộc gặp đầu tiên trên cương vị Tổng thống Nga với Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (B.Obama) bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cô-lôm-bi-a. Đó là chưa kể đến chuyến công du tới một loạt các nước khác như I-xra-en, Pa-le-xtin.
Quốc phòng an ninh cũng là một trong những lĩnh vực mà Tổng thống V.Pu-tin quan tâm nhiều nhất trong 100 ngày vừa qua. Ngoài các chuyến thị sát một số đơn vị thuộc quân đội Nga, ông V.Pu-tin cũng cam kết sẽ hiện đại hóa các lực lượng không quân, hải quân, tình báo, thông tin-liên lạc của Nga trong thời gian tới. Chính sách hiện đại hóa quân đội còn được thể hiện qua tuyên bố ngày 14-8 của ông V.Pu-tin, trong đó khẳng định chính quyền Nga sẽ không cắt giảm các khoản chi để duy trì khả năng quốc phòng và thực hiện các chương trình tái trang bị vũ khí mới. Theo ông V.Pu-tin, đây là nhiệm vụ quốc gia tối quan trọng và chính vì vậy, dự kiến Nga sẽ dành gần 650 tỷ USD (trong đó 79% dành để mua vũ khí mới hiện đại) trong giai đoạn 2011-2020.
Dù chỉ là một quãng thời gian rất ngắn trong nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị Tổng thống Nga, nhưng với những dấu ấn đáng kể ban đầu nói trên, ông V.Pu-tin vẫn đang thực sự là một niềm hy vọng với toàn nước Nga trong những năm sắp tới.
Theo qdnd.vn