Ai Cập cải tổ nội các: Phép thử cán cân quyền lực giữa quân đội và tổng thống dân sự

08:08, 15/08/2012

Chỉ hơn một tháng sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi tiến hành đợt cải tổ nội các đầu tiên. Theo đó, ông Áp-đen Pha-ta An Xi-xi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ tịch Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF), thay ông Hu-xê-in Tan-ta-uy được cho nghỉ hưu; đồng thời ông Xê-đi-ki Xô-bi được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, thay ông Xa-mi An-nan cũng nghỉ hưu. Cả ông Tan-ta-uy và ông An-nan đều được giữ làm cố vấn của Tổng thống. Ngoài ra, Tổng thống Mơ-xi cũng quyết định bổ nhiệm thẩm phán Ma-mút Mê-ki làm Phó tổng thống.

Trước đó, Tổng thống Mơ-xi cũng quyết định hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp được SCAF thông qua ngày 17-6 vừa qua và đưa ra một Tuyên bố Hiến pháp mới, theo đó nếu Hội đồng lập hiến không thể hoàn thành nhiệm vụ trong vòng 15 ngày, Tổng thống sẽ thành lập một hội đồng mới thực hiện soạn thảo hiến pháp. Phát biểu sau khi các quyết định trên được công bố, Tổng thống Mơ-xi cho biết, các quyết định của ông nhằm mang lại lợi ích cho quốc gia và toàn thể nhân dân Ai Cập, đồng thời sẽ giúp các lực lượng vũ trang tập trung tốt hơn vào các nhiệm vụ chính của quân đội.

Tổng thống Mơ-xi (bên phải) cùng Tướng Tan-ta-uy (giữa) và Tướng An-nan trong một cuộc họp. Ảnh: AFP
Tổng thống Mơ-xi (bên phải) cùng Tướng Tan-ta-uy (giữa) và Tướng An-nan trong một cuộc họp. Ảnh: AFP

Việc bãi miễn Bộ trưởng Quốc phòng và các vị trí chủ chốt trong quân đội cho thấy, Tổng thống Mơ-xi đang bắt đầu củng cố lại vai trò của lực lượng quân đội, đó là bảo vệ đất nước sau vụ việc 16 binh sĩ Ai Cập bị sát hại tại một trạm kiểm soát an ninh ở bán đảo Xi-nai tuần trước. Nhiều người dân Ai Cập đã đổ lỗi cho sự yếu kém của quân đội nước này trước các vụ bạo lực xảy ra tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các quyết định trên của Tổng thống Mơ-xi được xem là phép thử cán cân quyền lực giữa quân đội và vị Tổng thống dân sự đầu tiên trong lịch sử Ai Cập. Quyết định của Tổng thống Mơ-xi được cho là đã chấm dứt vai trò của lực lượng quân đội trong đời sống chính trị của Ai Cập và là một bước đi lớn tiến tới nền dân chủ toàn diện tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, trên thực tế, quân đội Ai Cập, vốn đang nắm giữ nguồn thu lớn trong nền kinh tế cũng như sức mạnh quân sự được Oa-sinh-tơn hỗ trợ, vẫn là một lực lượng quan trọng của quốc gia Trung Đông, trong khi tiến trình thiết lập nền dân chủ chỉ vừa mới bắt đầu.

Thế nhưng, điều mà dư luận băn khoăn hiện nay là động thái này sẽ tác động như thế nào tới chính trường Ai Cập. Những người ủng hộ cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn, bởi Ai Cập không thể có cùng lúc hai lực lượng nắm quyền: Tổng thống và Hội đồng quân sự. Tổng thống cần phải hành động để khôi phục lại quyền hạn từ tay SCAF. Ngược lại, có luồng ý kiến lại cho rằng quyết định này là không hợp pháp, bởi Tổng thống Mơ-xi “đã vượt quá quyền hạn của mình và nắm giữ quyền hạn của Hội đồng quân sự bằng việc thay thế Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang”. Điều này có thể gây ra một sự đối đầu mới giữa Tổng thống dân sự và quân đội trong tương lai./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com