Nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ không chỉ bó hẹp trong vấn đề bảo đảm hòa bình và an ninh, mà mở rộng sang các lĩnh vực khác, như bảo vệ người dân, hỗ trợ bầu cử, tái thiết các khu vực xung đột... Các vụ xung đột trên thế giới ngày càng phức tạp, nguồn lực của LHQ hạn chế, cùng với sự bất đồng về ngôn ngữ trong lực lượng này đang khiến việc thực hiện các nhiệm vụ khó khăn hơn.
Năm 1948, LHQ bắt đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên và coi đó là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giúp các nước và khu vực có xung đột giải quyết khủng hoảng và duy trì hòa bình. Hiện tại, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã có khoảng 120 nghìn binh sĩ, cảnh sát và nhân viên LHQ từ 117 nước, triển khai ở 17 khu vực nóng trên thế giới. Tuy nhiên, nhiệm vụ thiết lập hòa bình và bảo vệ người dân ở các khu vực xung đột trên thế giới đang đặt ra nhiều thách thức cho đội quân mũ nồi xanh. Theo thống kê của LHQ, đến nay đã có khoảng 2.400 binh sĩ tham gia lực lượng LHQ chết khi làm nhiệm vụ tại các điểm nóng trên khắp thế giới. Riêng năm 2011 có 112 người chết.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ không chỉ là duy trì hòa bình và an ninh, mà còn tạo điều kiện cho các tiến trình chính trị, bảo vệ người dân, giải trừ quân bị và tái hòa nhập xã hội các tay súng tham gia xung đột, hỗ trợ tổ chức các cuộc bầu cử, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, khôi phục trật tự pháp luật... Trung tướng C.Pra-ka-sơ, Chỉ huy Phái bộ lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Công-gô (MONUSCO) nhấn mạnh, môi trường gìn giữ hòa bình ngày càng đa dạng, đầy thách thức và cần được xem xét kỹ lưỡng; có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và quan niệm về nhiệm vụ của lực lượng quân đội.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Li-băng. Ảnh: Internet |
Đại sứ Bồ Đào Nha tại LHQ G.M.Ca-bra khẳng định, cần thiết phải có hệ thống mô hình triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đáp ứng các chuẩn mực chung về hoạt động quân sự, bảo đảm các binh sĩ được huấn luyện đầy đủ trước khi triển khai, có tính đến những điều kiện thực địa, các mục tiêu bảo vệ dân thường và tôn trọng khác biệt văn hóa tại các khu vực xung đột... Theo Thiếu tướng P.Xe-ra, Chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình lâm thời của LHQ tại Li-băng (UNIFIL), đội quân mũ nồi xanh tại Li-băng là lực lượng tổng hợp đến từ nhiều quốc gia, trong khi để thực hiện tốt nhiệm vụ đòi hỏi lực lượng này phải giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ làm việc chung. Bất đồng ngôn ngữ khiến việc thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn. Lực lượng gìn giữ hòa bình cũng gặp phải vấn đề ngôn ngữ với chính người dân ở khu vực xung đột. Thiếu tướng M.B.O-bi, Chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Xu-đăng (UNMISS) cho biết, mặc dù UNMISS đã tổ chức các cuộc hội thảo và nhiều chương trình tiếp cận người dân Nam Xu-đăng để giải thích nhiệm vụ của lực lượng này tại đây, dù vậy người dân Nam Xu-đăng vẫn cho rằng UNMISS chẳng làm gì để ngăn chặn các vụ đụng độ sắc tộc và đánh bom nhằm vào dân thường tại các khu vực biên giới.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun thừa nhận, nhu cầu đối với lực lượng gìn giữ hòa bình ngày càng tăng và có "khoảng cách lớn" giữa nhu cầu thực tế với khả năng đáp ứng của LHQ. Ông khẳng định, binh sĩ mũ nồi xanh đang đóng một vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới, tuy nhiên khả năng hoàn thành nhiệm vụ phụ thuộc vào sự gắn kết của các nước trong hoạt động triển khai quân sự, cũng như cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực, tài chính và các chuyên gia có kinh nghiệm phối hợp giải quyết tình hình thực tế./.
Theo: nhandan.com.vn