Mỹ thực hiện chiến lược mới ở châu Phi

08:08, 27/08/2012

Châu Phi gồm 54 quốc gia, với tổng diện tích hơn 30 triệu km2 và khoảng một tỷ dân, nguồn tài nguyên đa dạng, dồi dào, nhất là dầu mỏ và các kim loại quý, đang trở thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc trên thế giới. Trong bối cảnh châu Phi nằm trong "tầm ngắm" của nhiều quốc gia, Mỹ đã đưa ra chiến lược mới, trong đó coi châu lục này là một đối tác cần duy trì và mở rộng ảnh hưởng, nhằm bảo đảm các lợi ích của Oa-sinh-tơn.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn đã có chuyến công du tới một loạt nước châu Phi gồm Xê-nê-gan, Nam Xu-đăng, U-gan-đa, Kê-ni-a, Ma-la-uy, Nam Phi, Ga-na, Ni-giê-ri-a, Bê-nanh với trọng tâm thúc đẩy dân chủ, tăng trưởng kinh tế cũng như hòa bình và an ninh khu vực. Trong khi các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng từ các tay súng Hồi giáo, vấn đề chống khủng bố là nội dung quan trọng trong chương trình thăm châu Phi của bà H.Clin-tơn. Oa-sinh-tơn coi Xê-nê-gan là đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ tại cộng đồng Pháp ngữ ở châu Phi. Còn U-gan-đa được coi là đối tác chủ chốt của Mỹ trong hợp tác chống khủng bố. Các binh sĩ Mỹ đang giúp huấn luyện quân đội U-gan-đa, chiếm số đông nhất trong lực lượng của Liên minh châu Phi (AU) hoạt động ở Xô-ma-li-a nhằm giúp các nước này đối phó các tay súng Hồi giáo. Trong khi đó, Nam Phi, cường quốc kinh tế hàng đầu châu Phi, đang trở thành đối tác chiến lược của Mỹ với trao đổi thương mại song phương hằng năm đạt hơn 22 tỷ ơ-rô. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai, sau Trung Quốc, và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba của Nam Phi, sau Anh và Hà Lan. Trong thập kỷ qua, các sản phẩm xăng dầu chiếm khoảng 89% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ châu Phi, với 40% lượng dầu xuất khẩu của Ni-giê-ri-a được chuyển sang Mỹ. Ni-giê-ri-a là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ năm của Mỹ, còn Ăng-gô-la đứng thứ tám. Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ dự báo, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ từ châu Phi sẽ tăng 25% trong vòng ba năm, chủ yếu từ Ni-giê-ri-a và Ăng-gô-la. Trong chuyến thăm châu Phi này, bà Clin-tơn nhấn mạnh, Mỹ sẽ hợp tác với các nước giàu tài nguyên để giúp bảo đảm các nguồn năng lượng và khoáng sản sẽ cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây. Bà cho rằng, giai đoạn mà các nhà đầu tư nước ngoài đến và chỉ chú trọng khai thác tài nguyên châu Phi nên chấm dứt trong thế kỷ 21. Điều này có nghĩa Mỹ muốn ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của các nhà đầu tư nước ngoài khác đối với châu Phi, nhất là trong bối cảnh "cơn khát" năng lượng đang trở thành vấn đề cấp bách đối với các quốc gia đang phát triển mạnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Clin-tơn trong chuyến thăm Ma-la-uy.   Ảnh: Internet
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Clin-tơn trong chuyến thăm Ma-la-uy. Ảnh: Internet

Chuyến thăm châu Phi của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ diễn ra sau khi Chính phủ của Tổng thống B.Ô-ba-ma công bố chiến lược mới đối với khu vực nam sa mạc Xa-ha-ra của châu Phi với bốn cột trụ: củng cố các định chế dân chủ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư; bảo đảm hòa bình và an ninh; khuyến khích phát triển. Nhà trắng khẳng định, châu Phi ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng. Để thể hiện  sự "quan tâm" đối với châu Phi, Tổng thống Ô-ba-ma trước đó đã công bố một chiến lược nhằm giúp 50 triệu người trên thế giới, chủ yếu tại châu Phi, thoát khỏi đói nghèo bằng cách liên kết các chính phủ, các nhóm hoạt động xã hội với khu vực tư nhân. Ông cũng cam kết duy trì kế hoạch viện trợ các bệnh nhân AIDS khẩn cấp từ thời cựu Tổng thống G.Bu-sơ. Chiến lược mới này cũng khẳng định cam kết của Oa-sinh-tơn khuyến khích cải tổ pháp luật tại châu Phi nhằm thu hút đầu tư và thương mại, cải thiện việc quản lý kinh tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Mỹ đã công bố dự án ba tỷ USD viện trợ cho 45 Cty tư nhân thực hiện các dự án nông nghiệp quy mô nhỏ nhằm giúp xây dựng thị trường nội địa cũng như xóa đói, giảm nghèo cho các nước thuộc khu vực Sừng châu Phi và Xa-hen.

Trước mối đe dọa các nhóm khủng bố mở rộng "chân rết" ở châu Phi nhằm thực hiện âm mưu tiến công các quyền lợi của Mỹ, những tháng gần đây, quân đội Mỹ đã gia tăng các hoạt động do thám khắp châu lục này, coi đây là một phần trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ nhằm vào các nhánh của An Kê-đa. Tướng C.Ham, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Phi thừa nhận, quân đội Mỹ đã thiết lập một loạt căn cứ quân sự quy mô nhỏ tại một số nước châu Phi. Tháng 10-2011, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã phái 100 binh sĩ tác chiến đặc biệt tới Trung Phi để săn lùng G.Cô-ni, thủ lĩnh nhóm "Quân đội kháng chiến của Chúa" bị Mỹ liệt vào danh sách các tội phạm chiến tranh. Tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn cho biết, từ năm 2007 đến nay, quân đội Mỹ đã bí mật thiết lập một mạng lưới khoảng mười căn cứ không quân quy mô nhỏ tại các nước như Mô-ri-ta-ni, Buốc-ki-na Pha-xô, Xu-đăng, Kê-ni-a, U-gan-đa, Gi-bu-ti, Ê-ti-ô-pi-a... Từ các căn cứ này, máy bay do thám của Mỹ thường ngụy trang là máy bay của tư nhân để tiến hành các hoạt động tình báo, do thám nhằm phát hiện và theo dõi nơi ẩn náu của các lực lượng khủng bố trên toàn lục địa này. Việc mở rộng các hoạt động do thám tại châu Phi nằm trong tổng thể chiến lược của chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma, theo đó tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật và vai trò của các nhóm tác chiến đặc biệt trong các hoạt động chống khủng bố trên toàn cầu./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com