Kinh tế Cam-pu-chia duy trì đà tăng trưởng khá

08:08, 24/08/2012

Bất chấp sự sụt giảm mạnh của kinh tế Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu chủ chốt của Cam-pu-chia, nền kinh tế của đất nước Chùa Tháp tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong năm nay và dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2013.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Cam-pu-chia là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm hơn 8%. Dự báo, trong năm nay và năm 2013, kinh tế của Cam-pu-chia có thể đạt mức tăng trưởng lần lượt là 6,6% và 6,7%. Các dự báo của WB trùng hợp mức dự báo tăng trưởng GDP từ 6 đến 7% mà Chính phủ Cam-pu-chia và một số tổ chức tài chính quốc tế khác như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra. Cơ sở cho những dự báo đó chính là sự khởi sắc của lĩnh vực xuất khẩu may mặc, du lịch, bất động sản và nông nghiệp.

Ăng-co Thom, khu du lịch nổi tiếng ở Xiêm Riệp.  Ảnh: Internet
Ăng-co Thom, khu du lịch nổi tiếng ở Xiêm Riệp. Ảnh: Internet

Trong sáu tháng đầu năm nay, lĩnh vực xuất khẩu may mặc đã mang lại 2,1 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái. Mỹ và các thị trường châu Âu vẫn là những nhà nhập khẩu may mặc chủ yếu của Cam-pu-chia. Công nghiệp may mặc là ngành mang lại nguồn thu lớn nhất cho đất nước. Năm ngoái, xuất khẩu may mặc mang lại 4,24 tỷ USD, tăng 25% so năm 2010. Lĩnh vực du lịch cũng phát triển ổn định. Trong nửa đầu năm nay, Cam-pu-chia đón 1,76 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 27% so cùng kỳ năm ngoái. Du khách Việt Nam đứng đầu danh sách thăm Cam-pu-chia với 378.130 lượt người, tăng 30%, tiếp theo lần lượt là khách Hàn Quốc (227.200 lượt người) và Trung Quốc (151.890 lượt người). Lượng du khách Thái-lan tới xứ Chùa Tháp cũng đạt 91.860 lượt người, tăng 91%, chủ yếu do quan hệ hai nước đã được cải thiện sau các vụ đụng độ tại khu vực tranh chấp chung quanh ngôi đền cổ Prếch Vi-hia ở biên giới hai nước hồi tháng 7 năm ngoái. Lượng du khách Cam-pu-chia du lịch nước ngoài cũng tăng mạnh, đạt 389 nghìn lượt người, tăng 33% so cùng kỳ năm trước. Trong số các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), khách Cam-pu-chia lựa chọn Việt Nam, Thái-lan, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a là những điểm đến ưa thích hàng đầu. Năm ngoái, ngành du lịch đóng góp cho ngân sách 1,91 tỷ USD, giúp nền kinh tế Cam-pu-chia đạt mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Trong số gần ba triệu lượt du khách nước ngoài tới Cam-pu-chia năm 2011, có tới hơn 600 nghìn lượt khách Việt Nam. Hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch, trước hết phải kể đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Như các điều kiện khác kích thích tăng trưởng du lịch hai nước, gồm thủ tục hải quan thông thoáng, việc đi lại thuận lợi với hàng chục chuyến bay và hàng trăm xe du lịch, xe đưa khách qua lại giữa hai nước mỗi ngày và mặt bằng giá du lịch cạnh tranh...

Bất chấp tình hình hạn hán tồi tệ thời gian qua, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực chống hạn tại 14 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề, tiếp tục bảo đảm sản xuất và xuất khẩu gạo trong năm 2012. Chính phủ Cam-pu-chia cũng xúc tiến những nỗ lực nhằm tăng năng suất lúa, mở rộng diện tích canh tác, xây dựng và phát triển hệ thống các nhà máy xay xát gạo trong nước; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo ra các nước; hướng tới kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển hoạt động chế biến, xuất khẩu gạo trực tiếp tới các thị trường quốc tế. Để đạt mục tiêu xuất khẩu một triệu tấn gạo vào năm 2015, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Cam-pu-chia đang đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo và hỗ trợ nông dân đưa máy công cụ sản xuất nông nghiệp vào hoạt động canh tác và sử dụng các giống lúa mới có chất lượng cao.

Tại Lễ kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP)  cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch danh dự CPP, Chủ tịch QH Xam-đéc Hêng Xom-rin bày tỏ lòng cảm ơn và sự tri ân chân thành, sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp quý giá trong việc xây dựng và gìn giữ nền hòa bình, ổn định chính trị, đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế Cam-pu-chia, tiến tới sự phát triển nhanh chóng trên mọi lĩnh vực  như ngày nay. Chủ tịch Hêng Xom-rin nhấn mạnh, sau ngày 7-1-1979, Cam-pu-chia gặp nhiều trở ngại trong quá trình khôi phục và phát triển đất nước, nhưng nhờ có cương lĩnh chính trị đúng đắn, chương trình hoạt động phù hợp, dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, CPP đã lãnh đạo đất nước từng bước vượt qua những khó khăn, đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng đất nước Cam-pu-chia hòa bình, ổn định và phồn vinh./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com