Hợp đồng dầu khí khổng lồ Trung Quốc - Ca-na-đa dính kiện tụng

07:08, 01/08/2012

Hợp đồng khổng lồ trị giá 15,1 tỷ USD vừa ký hồi cuối tuần qua giữa Tổng Cty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) với Cty Dầu khí Nexen của Ca-na-đa cho phép CNOOC thâu tóm Nexen, đã gặp không ít trở ngại tại Mỹ.

Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ (SEC) ngày 27-7 đã nộp đơn lên Tòa án liên bang ở Thành phố Niu Y-oóc kiện Cty CNOOC về tội buôn bán nội gián để trục lợi 13 triệu USD trong vụ CNOOC mua lại Cty Nexen của Ca-na-đa. SEC cáo buộc ông Trương Chí Vinh, người điều hành Cty Well Advantage và cũng là chủ của một Cty khác, có “thỏa thuận hợp tác chiến lược” với CNOOC trong việc sử dụng các tài khoản ở Hồng Công (Trung Quốc) và Xin-ga-po để mua cổ phiếu của Nexen, trước khi bản hợp đồng mua bán khổng lồ giữa CNOOC với Nexen được thông báo. Chiểu theo đơn kiện của SEC, tòa án Liên bang tại Man-hát-tan (Mỹ) đã phong tỏa 38 triệu USD trong quỹ đầu tư của Well Advantage.

Hôm 23-7, CNOOC và Nexen thông báo đã đạt được thỏa thuận để CNOOC mua lại Nexen với giá 15,1 tỷ USD qua việc tặng cổ đông khoản thưởng tương đương 61% trị giá các cổ phiếu của Nexen trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, SEC cho biết ngay trước khi có thông báo tặng thưởng này, Cty Well Advantage của Hồng Công đã kiếm được khoản lợi nhuận 7 triệu USD và các nhà đầu tư khác đã dùng tài khoản ở Xin-ga-po để tiếp nhận 6 triệu USD qua việc mua cổ phiếu của Nexen, sau đó bán tháo rất nhanh để kiếm lời, khi giá cổ phiếu này tăng vọt 52%. Cụ thể, theo Roi-tơ, Cty Well Advantage đã thu mua hơn 830.000 cổ phiếu Nexen vào ngày 19-7 và một Cty giấu tên có tài khoản tại Hồng Công đã mua hơn 676.000 cổ phiếu Nexen. Tuy nhiên, cả CNOOC, Well Advantage và Ủy ban chứng khoán Hồng Công hiện đều từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới lời cáo buộc này của SEC.

Một cơ sở của Cty Nexen tại Đông Nam An-bơ-ta (Ca-na-đa).  Ảnh: Roi-tơ.
Một cơ sở của Cty Nexen tại Đông Nam An-bơ-ta (Ca-na-đa). Ảnh: Roi-tơ.

Theo kế hoạch, hợp đồng giữa CNOOC và Nexen sẽ được hoàn tất vào quý IV năm nay, nếu cơ quan chức năng cho phép. Khi được hoàn tất, nó sẽ trở thành hợp đồng đầu tư ra nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng, đánh dấu một bước đi ngoạn mục của Trung Quốc trong chiến lược bảo đảm nguồn dầu thô và khí đốt cho sự phát triển kinh tế ở trong nước. Bên cạnh đó, bản hợp đồng này còn là một bài toán lớn thử thách thái độ của các nước công nghiệp phát triển trong việc chấp nhận vốn đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp chiến lược. Cách đây 7 năm, CNOOC từng tìm cách mua lại tập đoàn dầu khí Unocal của Mỹ với giá 18,5 tỷ USD nhưng không thành.

Trung Quốc là nước có mức tiêu thụ năng lượng lớn nhất trên thế giới và đứng thứ hai về xăng dầu. Trong nhiều năm qua, nước này đã đẩy mạnh các thương vụ về thu mua, hợp tác với các nhà khai thác dầu khí lớn, một mặt làm no cái bụng luôn kêu đói của nền kinh tế, mặt khác tích trữ dầu để… chờ thời cơ. Trong khi đó, Ca-na-đa đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho các Cty dầu lửa Trung Quốc tìm kiếm các mỏ dầu và khí đốt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng khổng lồ của nước này. Theo số liệu của Bloomberg, tính đến ngày 30-7, các Cty Trung Quốc đã chi khoảng 49 tỷ USD để mua các mỏ dầu và các Cty dầu khí của Ca-na-đa. Trong khi đó, các Cty Trung Quốc mới chỉ mua được 3,5 tỷ USD tài sản dầu khí của nước Mỹ.

Thỏa thuận giữa CNOOC và Nexen cần phải được các cơ quan chức năng ở Ca-na-đa, Mỹ và một số nước khác phê chuẩn vì Nexen có các tài sản ở vùng Vịnh Mê-hi-cô, ngoài khơi Ni-giê-ri-a và ở Biển Bắc của Anh. Với việc vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ, nơi sở hữu 10% tài sản của Nexen, hợp đồng dầu khí mang tính bước ngoặt này của Trung Quốc sẽ gặp không ít khó khăn. Hôm 27-7, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Niu Y-oóc, ông Sác-lơ Su-mơ đã gửi thư cho Bộ trưởng Tài chính Ti-mô-ti Ghết-nơ yêu cầu Nhà Trắng không phê duyệt bản hợp đồng giữa CNOOC với Nexen cho tới khi ép được Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa cho các Cty và hàng hóa của Mỹ./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com