Cứu Eurozone và hy vọng đột phá

07:08, 03/08/2012

Sau gần hai năm khủng khoảng nợ công, có lúc tưởng như sự tan rã đã cận kề, nhưng với nỗ lực của các nước Eurozone và cộng đồng quốc tế, các nhà lãnh đạo EU mà trực tiếp là các hệ thống tài chính đã có những giải pháp “đột phá”, khiến dư luận quốc tế đang kỳ vọng vào nỗ lực giải cứu Eurozone.

Bước đột phá quan trọng

Tại hội nghị thượng đỉnh EU lần thứ 19 diễn ra trong các ngày 28 và 29-6, các lãnh đạo đã cho phép sử dụng quỹ cứu trợ trực tiếp giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn mà không làm tăng thêm gánh nợ nần cho các chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy gọi quyết định trên là một “bước đột phá”. Thị trường chứng khoán toàn cầu lập tức tăng điểm mạnh, đồng euro cũng mạnh lên. Quyết định trên cũng là thắng lợi của Tây Ban Nha và Italia - hai nước có chi phí đi vay đã tăng gần tới mức nguy hiểm, bất chấp những nỗ lực cắt giảm chi tiêu và cải tổ thị trường lao động.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Các lãnh đạo EU cũng tán thành việc để quỹ cứu trợ khu vực mua lại nợ chính phủ trên thị trường nhằm tránh chi phí vay tăng. ECB cũng được trao quyền để giám sát hoạt động quỹ cứu trợ cho đến ngày 9-7 và giám sát các ngân hàng châu Âu cho đến cuối năm 2012.

Hội nghị cũng nhất trí dành 120 tỷ euro ngay lập tức nhằm kích thích kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Trong đó, 10 tỷ euro phân bổ cho EIB, dự kiến sẽ thu hút thêm các nguồn vốn cho vay khác thêm 60 tỷ euro; 60 tỷ euro từ các quỹ chưa sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và tạo việc làm cho thanh niên; phát hành thí điểm trái phiếu của EU trị giá 4,5 tỷ euro nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, vận tải và viễn thông.

Một động thái quan trọng khác là các lãnh đạo đã ủng hộ lộ trình khu vực Eurozone tiến tới liên minh tài chính, thay vì chỉ liên minh tiền tệ như trước đây. Kế hoạch 10 năm này do ông Van Rompuy trình bày, dự định xây dựng cơ quan tài chính chung của EU có quyền lực với chương trình ngân sách của các nước thành viên.

Theo các nhà phân tích, EU dường như đã ngăn chặn được thảm họa khủng hoảng, ít nhất là vào thời điểm hiện nay, nhưng các thị trường đang chờ đợi ECB có những đảm bảo cho sự thành công của những thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh EU kết thúc hồi tháng 6.

Theo nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg Bank, “Nếu kết quả của hội nghị thượng đỉnh EU khuyến khích ECB tiến tới hỗ trợ mạnh mẽ cho các thị trường trái phiếu quốc gia thì đây có thể coi là một thành công lớn”.

Kể từ khi khủng hoảng nợ xảy ra, ECB đã thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất và đưa phí cho vay của Eurozone xuống mức thấp kỷ lục (1%) và đã lâm vào một chương trình gây tranh cãi về mua gián tiếp các trái phiếu của những quốc gia đang “ngập trong nợ nần”.

Ngoài ra, ECB cũng bơm hơn 1.000 tỷ euro (1.250 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng để tránh tình trạng đóng băng tín dụng nguy hiểm ở Eurozone và nới lỏng quy định về thế chấp mà các ngân hàng cần đáp ứng để vay nợ từ ECB.

Những bước đi quan trọng trên khiến cho các thị trường ngay sau đó đã tăng điểm. Nikkei 225 của Nhật Bản tăng khá mạnh, thêm 132,67 điểm (1,50%), lên 9.006,78 điểm (trở lại ngưỡng 9.000 điểm); Kospi của Hàn Quốc tăng 34,83 điểm (1,91%) lên 1.854,01 điểm; S&P/ASX200 của Australia tiến thêm 49,8 điểm (1,23%), lên 4.094,6 điểm.

Sự phối hợp của EFSF với ECB

Theo Le Figaro (Pháp) ngày 29-7, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực Eurozone, Jean-Claude Juncker đã tuyên bố Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) sẽ phối hợp với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để cứu khu vực đồng tiền chung của 17 nước.

Ông Juncker nói, Khu vực Eurozone sẽ phải phác thảo tốc độ cũng như phạm vi triển khai kế hoạch mới, đồng thời sẽ hành động phối hợp với ECB. Theo ông, Khu vực Eurozone không thể lãng phí thêm thời gian được nữa. Khu vực Eurozone đã ở vào giai đoạn phải bằng mọi cách chứng minh rằng họ quyết tâm đảm bảo ổn định cho liên minh tiền tệ này. Ông cũng bác bỏ đề xuất của Đức về việc “trục xuất” Hy Lạp khỏi khu vực Eurozone.

EFSF hiện còn 200 tỷ euro (245 tỷ USD), chỉ đủ để trấn an thị trường, không đủ để cứu trợ Italia với mức tương tự như Hy Lạp. Các quy định hiện hành cho phép EFSF can thiệp vào thị trường đầu tiên của những quốc gia đã ký thỏa thuận về cải cách để đổi lấy cứu trợ tài chính; thực thi các biện pháp về tín dụng như một biện pháp phòng ngừa hoặc cho vay để tái cấp vốn cho các ngân hàng. Định chế này cũng có quyền mua nợ công trên thị trường thứ cấp, nhưng trên thực tế chưa từng áp dụng biện pháp này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo đã cho phép EFSF có thể tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng chứ không cần thông qua các chính phủ nước thành viên nhằm hạn chế gánh nặng nợ công của các nước đang cần cứu trợ. Quỹ cứu trợ ngắn hạn này sẽ được thay thế bằng quỹ cứu trợ dài hạn mang tên Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), sẽ đi vào hoạt đọng cuối năm nay.

Tín hiệu tích cực từ bên kia đại dương

Theo các nhà phân tích, nếu như trong Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra hồi cuối tháng 6 Mỹ (nền kinh tế số 1 thế giới) đã không đóng góp vào quỹ “bức tường lửa” của IMF, với lý do châu Âu có đủ tiềm lực tài chính để giải quyết các vấn đề của riêng họ, thì nay Mỹ lại thể hiện quan tâm đến khu vực này bằng chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đến khu vực Eurozone.

Ngày 30-7, sau cuộc họp diễn ra tại đảo Sylt (Đức), Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và người đồng cấp Mỹ Geithner đã bày tỏ tin tưởng châu Âu có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nợ kéo dài hai năm qua tại Khu vực Eurozone.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai Bộ trưởng Tài chính Đức và Mỹ cam kết cùng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Eurozone, đồng thời kêu gọi “hợp tác và phối hợp quốc tế”, nhấn mạnh sự cần thiết đạt được tài chính công ổn định, hạn chế sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô toàn cầu và khôi phục tăng trưởng.

Ông Sylt và ông Geithner bày tỏ tin tưởng vào nỗ lực của các nước thành viên Eurozone trong tiến trình cải cách và hội nhập sâu rộng hơn, cho rằng vụ bán đấu giá thành công trái phiếu chính phủ vừa qua tại Ireland là bằng chứng mới nhất cho thấy EU có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng nhất. Hai nhà lãnh đạo cũng ca ngợi nỗ lực mạnh mẽ của Tây Ban Nha và Italia nhằm theo đuổi chương trình cải cách cơ cấu và tài chính sâu rộng. Vì thế, dư luận quốc tế đang kỳ vọng vào những giải pháp “đột phá” của EU nhằm cứu Eurozone khỏi sự tan rã.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com