“Bài toán khó” với Hy Lạp

08:08, 29/08/2012

Cần thêm thời gian hai năm để hoàn thành chương trình cải cách kinh tế, điều kiện để nhận được gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), song đây quả là “bài toán khó” đối với Hy Lạp khi đề nghị này đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Đức, quốc gia “đầu tàu” kinh tế ở châu Âu.

Mong muốn cần có "thời gian để thở" trước khi có thể tiến hành cắt giảm ngân sách và cải cách theo các gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro (300 tỷ USD) đã được Thủ tướng Hy Lạp An-tô-nít Xa-ma-rát chia sẻ trong các cuộc gặp các nhà lãnh đạo Đức, Pháp cách đây vài ngày. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken vẫn kiên định cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mỗi ngày trôi qua đều phải tính đến nỗ lực của A-ten trong việc tuân thủ cam kết và bảo vệ vị trí của mình trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Thừa nhận thế giới đã mất quá nhiều lòng tin vào Hy Lạp trong hai năm rưỡi vừa qua, song bà Méc-ken nhắc lại sự cần thiết phải chờ đợi đánh giá của các thể chế tham gia gói cứu trợ dành cho Hy Lạp. Bà Méc-ken nhấn mạnh nhắc nhở Thủ tướng Xa-ma-rát rằng nước này "còn nhiều việc cần phải làm".

Thủ tướng Xa-ma-rát không che giấu được nỗi buồn trước lời từ chối gia hạn thời gian cho A-ten của Thủ tướng Méc-ken.  Ảnh: Roi-tơ
Thủ tướng Xa-ma-rát không che giấu được nỗi buồn trước lời từ chối gia hạn thời gian cho A-ten của Thủ tướng Méc-ken. Ảnh: Roi-tơ

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ZDF ngày 26-8 (giờ địa phương), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Phi-líp Râu-ét-lơ cũng bác bỏ lời kêu gọi cho Hy Lạp thêm thời gian để thực hiện cải cách kinh tế, đồng thời nêu rõ A-ten cần phải tôn trọng thỏa thuận cứu trợ đã ký với các nhà cho vay quốc tế. "Điều mà Hy Lạp đề nghị, nửa năm hay hai năm, là không thể. Thời gian cũng là tiền", ông Râu-ét-lơ nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa ô-lăng-đơ cũng hối thúc Hy Lạp nỗ lực hơn nữa trong việc thể hiện cam kết cải cách. Cũng như Thủ tướng Méc-ken, ông Ô -lăng-đơ cho rằng, việc có thêm quyết định về trường hợp của Hy Lạp hay không cần phải đợi bản đánh giá vào tháng tới của “bộ ba” chủ nợ về tiến bộ mà A-ten đạt được trong quá trình thực hiện thỏa thuận cứu trợ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thuộc đảng Xã hội vẫn đưa ra tín hiệu sẵn sàng “linh động” với trường hợp của A-ten mà cụ thể là kéo dài thời hạn thắt lưng buộc bụng của A-ten.

Đồng tình với quan điểm của Tổng thống Ô-lăng-đơ, Thủ tướng Áo H.Phi-sơ ngày 27-8 cũng đề xuất EU nên đồng ý để Hy Lạp kéo dài thời gian thêm hai, ba năm bởi lẽ việc trục xuất Hy Lạp khỏi Eurozone sẽ tốn kém hơn so với một phần nới rộng thời hạn cải cách. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Đức cần cho Hy Lạp thêm thời gian để cải cách vì hiện tại Hy Lạp chưa có cơ sở để thực hiện thành công các hoạt động cải cách ngay từ đầu.

Như vậy, số phận gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp không được giải quyết ngay sau các cuộc gặp gỡ song phương mà phải đợi đến tháng 9, khi bộ ba EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đưa ra quyết định. Trong thời gian tới, nếu Hy Lạp không khéo thuyết phục được Đức “giải bài toán giãn thời gian” để có thể nhận gói cứu trợ tiếp theo, "xứ sở thần thoại" sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, trở nên rối loạn và nhiều khả năng sẽ phải rút khỏi Eurozone, gây bất ổn nghiêm trọng cho toàn khu vực này./.

Theo: qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com