Tranh cãi quanh vụ thảm sát Tram-xếch ở Xy-ri

08:07, 17/07/2012

Tình trạng bạo lực không ngừng gia tăng cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại Xy-ri ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Người phát ngôn Phái bộ Quan sát viên LHQ tại Xy-ri (UNSMIS) cho biết ngày 14-7, một nhóm quan sát viên đã tới thị sát ngôi làng Tram-xếch thuộc tỉnh Ha-ma, miền Trung Xy-ri, để điều tra vụ thảm sát làm hơn 150 người thiệt mạng hôm 12-7.

Theo người phát ngôn này, căn cứ vào chuyến thị sát sơ bộ đó, UNSMIS có thể khẳng định rằng đã xảy ra một cuộc tấn công, sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, tại ngôi làng này trong ngày 12-7. Các quan sát viên nhận định vụ tấn công này dường như nhằm vào các nhóm đối lập, những đối tượng đào ngũ khỏi quân đội, vì phát hiện thấy một số ngôi nhà bị đốt, cùng nhiều loại vũ khí bao gồm đạn pháo, súng cối và vũ khí hạng nhẹ. “Cuộc tấn công ở làng Tram-xếch nhằm vào các nhóm đối tượng cụ thể, chủ yếu là binh sĩ đào ngũ và các nhà hoạt động (chống đối chính quyền-TG). Chúng tôi nhìn thấy nhiều vũng máu cũng như hàng loạt vết máu ở nhiều ngôi nhà lẫn với vết đạn. Ngoài ra, ở hiện trường còn một trường học bị đốt cháy, nhiều ngôi nhà bị hư hại nặng nề”, người phát ngôn của UNSMIS cho biết. UNSMIS không nói rõ lực lượng nào có khả năng là thủ phạm vụ thảm sát kinh hoàng ở Tram-xếch.

Dân làng Tram-xếch đang chỉ cho đoàn quan sát viên của LHQ những gì còn sót lại của vụ thảm sát. Ảnh: AP

Dân làng Tram-xếch đang chỉ cho đoàn quan sát viên của LHQ những gì còn sót lại của vụ thảm sát. Ảnh: AP

Về thương vong cụ thể, UNSMIS nói rằng chưa xác định rõ ràng. Theo người phát ngôn phái bộ này, nhóm quan sát viên UNSMIS sẽ trở lại Tram-xếch để tiếp tục điều tra tìm kiếm sự thật. Còn theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Xy-ri (trụ sở tại Anh), hơn 150 người thiệt mạng trong vụ thảm sát này và đây dường như là vụ thảm sát nghiêm trọng nhất tại Xy-ri kể từ khi nổ ra làn sóng nổi dậy chống Tổng thống An Át-xát (al-Assad) hồi tháng 3-2011. Nếu được xác nhận con số thương vong trên, vụ việc ở Tram-xếch có mức độ thảm khốc còn hơn cả vụ thảm sát tại Hâu-la ngày 25-5 làm ít nhất 108 người thiệt mạng.

Trong khi đó, chính quyền Xy-ri ngày 15-7 phủ nhận việc các lực lượng của nước này đã sử dụng xe tăng và máy bay lên thẳng trong cuộc tấn công tại làng Tram-xếch, cho rằng những gì diễn ra tại đây là kết quả của cuộc giao tranh với các phiến quân chứ không phải là một vụ "thảm sát". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xy-ri Mắc-đi-si (Makdissi) cho biết có 39 người thiệt mạng tại Tram-xếch, trong đó có 37 tay súng và chỉ có hai dân thường; lực lượng Chính phủ cũng chỉ sử dụng vũ khí hạng nhẹ để tấn công năm tòa nhà. Ông Mắc-đi-si cực lực phản đối thông tin rằng quân đội Xy-ri đã sử dụng máy bay trong cuộc tấn công vào Tram-xếch. Ông chỉ rõ: "Đây hoàn toàn không đúng sự thực. Chỉ có các xe chở quân và vũ khí hạng nhẹ được sử dụng, vũ khí có hỏa lực mạnh nhất là súng phóng lựu".

 Trước đó, hôm 14-7, chính quyền Xy-ri nói rằng theo yêu cầu của người dân bị các nhóm vũ trang hăm dọa, quân đội tiến hành một chiến dịch tại Tram-xếch nhằm vào các đối tượng này. Đại diện quân đội Xy-ri cho biết số người thiệt mạng là những phần tử khủng bố vũ trang chứ không phải dân thường. Đây là chiến dịch thành công vì đã bắt giữ được hàng chục tên khủng bố, tịch thu số lượng lớn vũ khí và tài liệu.

Vụ thảm sát tại Tram-xếch một lần nữa làm dấy lên sự “phẫn nộ” của cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia phương Tây kêu gọi LHQ đưa ra một nghị quyết trừng phạt đối với Xy-ri. Song cho đến nay, HĐBA LHQ vẫn đang bị chia rẽ về vấn đề Xy-ri qua hai bản dự thảo nghị quyết của Nga và phương Tây. Pháp kêu gọi Nga và Trung Quốc (2 thành viên thường trực HĐBA) ủng hộ dự thảo nghị quyết mới về Xy-ri của phương Tây. Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ (F.Hollande) nhấn mạnh: “Điều tồi tệ nhất xảy ra với Xy-ri là một cuộc nội chiến. Do đó, chúng ta cần cố gắng tìm ra một giải pháp chính trị để tránh nội chiến cho Xy-ri. Chúng ta vẫn cần thời gian làm điều đó”.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) hôm 14-7 cũng kêu gọi Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì dùng "ảnh hưởng" của mình để giúp gây sức ép buộc Tổng thống Át-xát chấm dứt cuộc xung đột tại Xy-ri. Hiện Nga và Trung Quốc phản đối mong muốn của phương Tây đòi Tổng thống Át-xát phải ra đi và cho rằng, tương lai của nước này phải do chính người dân định đoạt. Tổng thống Ai Cập M.Mơ-xi và Tổng thống Tuy-di-ni-a Ma-du-ki cũng lên tiếng kêu gọi nước ngoài không can thiệp quân sự vào Xy-ri.

Dù vậy, ngày 15-7, Nga đã yêu cầu phải tiến hành cuộc điều tra vụ thảm sát ở Tram-xếch. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga A.Lu-ca-sê-vích (A.Lukashevich) khẳng định rằng “vụ tàn sát này là điều kiện thuận lợi cho các lực lượng không tìm kiếm hòa bình, mà kiên trì và cố gắng nuôi dưỡng những hạt giống gây xung đột nội chiến ở Xy-ri”./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com