Được tổ chức theo đề xuất của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn A-rập (AL) Cô-phi An-nan (Kofi Annan), Hội nghị quốc tế về vấn đề Xy-ri đã đạt được sự đồng thuận tối thiểu về việc thành lập một chính phủ liên hiệp lâm thời tại Xy-ri. Tuy nhiên, dường như hội nghị vẫn chưa thể giúp các bên tìm được quan điểm chung hoàn toàn trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Trung Đông này.
Ngoại trưởng các nước tại Hội nghị quốc tế về Xy-ri ở Giơ-ne-vơ ngày 30-6. Ảnh: Roi-tơ |
Những gì diễn ra trước và trong hội nghị tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) với sự tham dự của Ngoại trưởng 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ (gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp) cùng Ngoại trưởng các nước: Ca-ta, Thổ Nhĩ Kỳ, Cô-oét và I-rắc, đã cho thấy dấu hiệu khả quan trong việc thu hẹp những bất đồng giữa một bên là Nga và Trung Quốc, bên kia là Mỹ và một số nước phương Tây, về cách thức giải quyết xung đột tại Xy-ri. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) một ngày trước khi diễn ra hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton) khẳng định, các nước bên ngoài chỉ có thể đưa ra khuyến nghị, chứ không thể điều khiển tiến trình chuyển giao quyền lực tại Xy-ri. Phát biểu đó, theo đánh giá của ông La-vrốp, phần nào chứng tỏ Oa-sinh-tơn đang dần thay đổi quan điểm về vấn đề Xy-ri, trong đó không còn sự đòi hỏi bắt buộc Tổng thống Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad) phải từ bỏ quyền lực.
Theo ông C. An-nan, hội nghị đã thống nhất rằng, chính phủ chuyển tiếp có thể bao gồm các thành viên chính phủ hiện nay cũng như lực lượng đối lập và các nhóm khác, sẽ được thành lập trên cơ sở đồng thuận chung. Văn kiện được nhất trí cũng nêu rõ, các cường quốc chỉ đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo nhằm hỗ trợ các bên ở Xy-ri khi họ thúc đẩy tiến trình chuyển giao và thiết lập một chính phủ chuyển tiếp, còn tương lai của Tổng thống An Át-xát sẽ phụ thuộc vào chính người dân Xy-ri. Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague) thừa nhận: “Nga đã thành công trong việc thuyết phục các nước khác đi theo quan điểm của mình, nghĩa là không chấp nhận loại bất cứ đảng phái nào khỏi tiến trình chuyển tiếp tại Xy-ri”.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những đánh giá ban đầu. Bởi, ngay sau hội nghị, các cường quốc lại tiếp tục trở lại với kịch bản bất đồng tồn tại bấy lâu nay. Dù đã nhất trí với kế hoạch đưa ra tại hội nghị, Oa-sinh-tơn vẫn chưa từ bỏ ý định gạt ông Át-xát ra khỏi chính quyền chuyển tiếp tại Xy-ri. Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn thậm chí còn tuyên bố, những gì đạt được tại hội nghị đã mở ra một tương lai không có ông Át-xát. “Ông Át-xát vẫn phải ra đi”, bà H. Clin-tơn nói. Bà cũng cho biết, Mỹ sẽ thúc đẩy một nghị quyết ở HĐBA LHQ nhằm đưa ra những biện pháp trừng phạt, thậm chí là hành động quân sự với Đa-mát, nếu như tiến trình chuyển giao chính trị không được thực hiện.
Đáp lại ý kiến trên, Ngoại trưởng Nga khẳng định, Mát-xcơ-va phản đối mọi nỗ lực của phương Tây nhằm đưa kế hoạch chuyển giao chính trị ở Xy-ri lên HĐBA LHQ, đặc biệt không chấp nhận việc loại bỏ bất cứ bên nào trong tiến trình này. “Việc chuyển giao như thế nào sẽ do chính người dân Xy-ri tự quyết định. Sẽ là sai lầm khi loại bỏ bất kỳ bên nào trong tiến trình này”, ông La-vrốp nói.
Quan điểm này cũng nhận được sự ủng hộ từ phía Trung Quốc khi Ngoại trưởng nước này Dương Khiết Trì cho rằng, giải pháp chính trị cho vấn đề Xy-ri chỉ có thể do người Xy-ri thực hiện và được các bên liên quan chấp thuận.
Bất đồng nối tiếp bất đồng bởi không lâu sau khi hội nghị tại Giơ-ne-vơ kết thúc, đến lượt phe đối lập tại Xy-ri lên tiếng phản đối kế hoạch thành lập một chính phủ liên hiệp lâm thời. Theo cách gọi của các nhóm đối lập thì chuyển giao chính trị tại Xy-ri là một kế hoạch mơ hồ và phí thời gian. Lực lượng đối lập tại Xy-ri cũng tuyên bố sẽ không ngồi vào bàn thỏa hiệp với Tổng thống An Át-xát và những thành viên của Chính quyền hiện nay.
Xem ra, khi mà sự tiến triển đạt được tại hội nghị ở Giơ-ne-vơ chưa kịp chứng minh hiệu quả, những bất đồng mới giữa các nhân vật cũ lại tiếp tục nảy sinh. Sẽ vẫn là một chặng đường dài trước mắt để giải quyết tình trạng bất ổn và bạo lực tại Xy-ri, một khi chưa có giải pháp làm hài lòng tất cả các bên liên quan.
Theo qdnd.vn