Áp lực đối với Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad) ngày càng gia tăng khi ngày 12-7 (giờ địa phương), các nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đệ trình một dự thảo nghị quyết yêu cầu trừng phạt Xy-ri. Tuy nhiên, Nga cho rằng, dự thảo nghị quyết này là “không thể chấp nhận được” và cảnh báo sẽ phủ quyết dự thảo này.
Người dân tỉnh Ha-ma thu dọn đống đổ nát sau vụ thảm sát ngày 12-7. Ảnh: AFP |
Theo dự thảo nghị quyết mới do Anh soạn thảo với sự ủng hộ của Mỹ, Pháp và Đức, chính quyền của Tổng thống Át-xát có thời hạn 10 ngày để chấm dứt việc sử dụng các loại vũ khí hạng nặng, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế theo Điều 41 Chương VII của Hiến chương LHQ. Đề xuất của các nước phương Tây cũng đề nghị gia hạn sứ mệnh giám sát của phái bộ LHQ tại Xy-ri (UNSMIS) thêm 45 ngày. Tuy nhiên, Mỹ cảnh báo sẽ cản trở việc gia hạn thời hạn của UNSMIS nếu không có các biện pháp cấm vận kèm theo. Văn bản trên cũng ủng hộ đề xuất của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) về việc gia tăng nhiệm vụ chính trị của UNSMIS và cắt giảm số quan sát viên quân sự (hiện có 300 người) tại Xy-ri. Dự kiến, đến ngày 20-7 tới, HĐBA phải thông qua một nghị quyết khi thời hạn 90 ngày của UNSMIS kết thúc.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, dự thảo nghị quyết này đi ngược lại những mục đích mà kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập Cô-phi An-nan (Kofi Annan) đang triển khai ở Xy-ri. Về phần mình, Nga đã kịch liệt bác bỏ dự thảo nghị quyết trên của phương Tây. Ngay sau cuộc họp đầu tiên của HĐBA về vấn đề Xy-ri, Phó đại sứ Nga tại LHQ, ông I-go Pan-kin (Igor Pankin) đã tuyên bố với báo giới rằng, Nga không đồng ý việc trừng phạt Xy-ri. “Chúng tôi có thể đàm phán về mọi thứ, nhưng không phải về việc này (ý nói nghị quyết trừng phạt). Đây là một giới hạn đỏ”, ông Pan-kin khẳng định. Phó đại sứ Pan-kin cũng nêu rõ, Chương VII của Hiến chương LHQ là biện pháp cuối cùng và không phải là một công cụ hữu hiệu trong nhiều trường hợp. Trước đó, Nga cũng đệ trình một bản dự thảo riêng, trong đó không bao hàm đe dọa áp đặt các biện pháp chống Tổng thống Át-xát.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ghen-na-đi Ga-ti-lốp (Gennady Gatilov) tuyên bố, Mát-xcơ-va sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ nếu như các thành viên khác kiên quyết đưa dự thảo nghị quyết mới về Xy-ri ra bỏ phiếu. Thứ trưởng Ga-ti-lốp cho rằng, HĐBA không nên bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết vào thời điểm này vì "tiến trình tham vấn mới chỉ bắt đầu". Cũng theo ông Ga-ti-lốp, Nga không ủng hộ bản dự thảo nghị quyết mới của phương Tây vì các nội dung trong dự thảo không công bằng, chỉ đề cập đến nghĩa vụ của chính quyền Xy-ri mà không nói tới bổn phận của phe đối lập. Ông Ga-ti-lốp đề nghị Đặc phái viên Cô-phi An-nan nhanh chóng có các cuộc tiếp xúc cụ thể hơn với phe đối lập Xy-ri.
Trong phản ứng mới nhất của Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết, Trung Quốc đang xem xét kỹ lưỡng dự thảo nghị quyết do phương Tây đề xuất. “Hiện nay, vẫn còn những quan điểm khác nhau và chúng tôi nghĩ rằng các bên cần phải tìm ra sự đồng thuận bằng các cuộc đàm phán một cách kiên nhẫn, đồng thời duy trì sự đoàn kết trong HĐBA LHQ về một giải pháp chính trị cho Xy-ri”, ông Lưu Vi Dân nói.
Cũng trong phát biểu ngày 13-7, Nga và Trung Quốc kịch liệt lên án vụ thảm sát 200 dân thường vô tội Xy-ri thuộc cộng đồng Hồi giáo dòng Xăn-ni xảy ra hôm 12-7 ở tỉnh Ha-ma. Đây được xem là vụ bạo lực tồi tệ nhất trong 16 tháng bất ổn tại Xy-ri.
Theo qdnd.vn