Oa-sinh-tơn vừa có những động thái nhằm bảo đảm lợi ích chiến lược của Mỹ tại khu vực Nam Á, khi nhượng bộ và cấp hàng tỷ USD viện trợ Pa-ki-xtan để đổi lấy việc I-xla-ma-bát mở lại tuyến tiếp vận trọng yếu của NATO tới Áp-ga-ni-xtan, hay dành cho Áp-ga-ni-xtan quy chế đồng minh chủ chốt ngoài NATO. Nhưng, thực tế vẫn cho thấy Oa-sinh-tơn không dễ rảnh tay ở "bãi lầy" này.
Động thái đáng chú ý nhất giúp gỡ nút thắt căng thẳng trong quan hệ đồng minh Mỹ - Pa-ki-xtan, đó là việc chính quyền I-xla-ma-bát đồng ý mở lại tuyến tiếp vận cho các lực lượng NATO (GLOCS) đi qua lãnh thổ Pa-ki-xtan đến Áp-ga-ni-xtan. Thỏa thuận trên đã chấm dứt bảy tháng "gần như đóng băng" trong quan hệ hai nước sau khi I-xla-ma-bát tạm đóng tuyến tiếp vận sống còn của NATO để phản đối vụ máy bay Mỹ sát hại 24 binh sĩ Pa-ki-xtan tháng 11-2011. Để đi đến thỏa thuận, hai bên đã tỏ rõ thái độ nhượng bộ lẫn nhau. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn xin lỗi về vụ không kích theo yêu cầu của I-xla-ma-bát; Oa-sinh-tơn cam kết giải ngân khoảng 1,1 tỷ USD viện trợ quân đội Pa-ki-xtan. Thủ tướng Pa-ki-xtan P.A-sơ-ráp khẳng định, việc mở lại các tuyến tiếp vận sẽ giúp nhanh chóng ổn định tình hình tại Áp-ga-ni-xtan, góp phần đem lại ổn định cho toàn khu vực Nam Á, trong đó có Pa-ki-xtan. Đại sứ Pa-ki-xtan tại Mỹ S.Rê-man hy vọng, hai nước có thể tiếp tục đi đến thống nhất về nhiều vấn đề then chốt.
Tuần hành tại Pa-ki-xtan phản đối mở lại tuyến tiếp vận của NATO. Ảnh: AFP |
Với Áp-ga-ni-xtan, Oa-sinh-tơn đã trao quy chế đồng minh chính ngoài NATO, động thái tạo nền tảng lâu dài cho hợp tác an ninh và quốc phòng giữa hai nước. Quyết định nói trên đưa ra ngay trước thềm Hội nghị quốc tế về Áp-ga-ni-xtan tại Nhật Bản hôm 8-7. Với những "nỗ lực" của Mỹ thúc giục các nhà tài trợ quốc tế cam kết chi tiền cho Áp-ga-ni-xtan, giúp quốc gia này tránh rơi trở lại tình trạng bất ổn, các nước đã cam kết dành khoản viện trợ dân sự hơn 16 tỷ USD cho Áp-ga-ni-xtan đến hết năm 2015. Những diễn biến nói trên cho thấy, nỗ lực ráo riết của Oa-sinh-tơn nhằm bảo đảm an ninh cho Áp-ga-ni-xtan khi lực lượng tác chiến của Mỹ và các nước rút hết khỏi chiến trường này trong năm 2014. An ninh của Áp-ga-ni-xtan và sự ổn định chung của khu vực Nam Á, có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn, cũng như với nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma. Tuy nhiên, những động thái mới nhất của Oa-sinh-tơn chưa đủ giúp Mỹ có thể "rảnh tay" tại chiến trường này.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn thừa nhận, Mỹ và Pa-ki-xtan vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết. Ngay sau quyết định của I-xla-ma-bát nối lại GLOCS, liên minh của hàng chục đảng phái chính trị, tôn giáo tại Pa-ki-xtan đã tuần hành quy mô lớn để phản đối quyết định của Chính phủ, gây bầu không khí căng thẳng. Các nhóm phiến quân ở Pa-ki-xtan còn dọa tiến công các xe tải chở hàng tiếp vận cho lực lượng NATO. Một trở ngại nữa là quan điểm khác biệt của hai bên về việc truy quét các tổ chức khủng bố ở Pa-ki-xtan, nhất là mạng lưới Ha-ca-ni được cho là thủ phạm gây hàng loạt vụ tiến công các lợi ích của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan. Oa-sinh-tơn không ít lần cáo buộc I-xla-ma-bát chơi trò "hai mặt", vừa nhận tiền tài trợ chống khủng bố của Mỹ, vừa "dung dưỡng" lực lượng khủng bố. Pa-ki-xtan thẳng thừng bác bỏ, đồng thời chỉ trích Mỹ và NATO không đánh giá đúng nỗ lực của Pa-ki-xtan trong cuộc chiến này.
Gói viện trợ mới dành cho Áp-ga-ni-xtan đi kèm các điều kiện, trong đó có minh bạch tài chính, nâng cao năng lực quản lý và nhất là bài trừ tham nhũng vốn diễn ra nghiêm trọng, làm giảm đáng kể lòng tin của các nhà tài trợ, kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế Áp-ga-ni-xtan. Trong khi đó, tình hình an ninh của Áp-ga-ni-xtan vẫn rất phức tạp. Các vụ tiến công do Ta-li-ban tiến hành xảy ra gần như hằng ngày, trong "chiến dịch Mùa Xuân" từ tháng 5 vừa qua, Ta-li-ban đã tăng cường các vụ tiến công nhằm vào giới các quan chức và các nhân vật ủng hộ Chính phủ. Theo LHQ, trong 5 năm qua, số dân thường chết vì bạo lực ở Áp-ga-ni-xtan tăng mạnh, tới con số kỷ lục 3.021 người năm 2011. Ta-li-ban đã ngừng các cuộc hòa đàm bí mật với Mỹ hồi tháng 3 và cũng từ chối đàm phán với chính quyền Ca-bun cho tới khi các binh sĩ Mỹ và nước ngoài rút khỏi Áp-ga-ni-xtan.
Giới quan sát cho rằng, chưa có bảo đảm chắc chắn rằng các lực lượng Chính phủ Áp-ga-ni-xtan có đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ bảo đảm an ninh đất nước khi NATO rút quân. Áp-ga-ni-xtan cũng không thể có một nền hòa bình lâu dài, nếu Ca-bun không thuyết phục được Ta-li-ban và các nhóm phiến quân tham gia tiến trình đàm phán toàn diện. Và đây vẫn là bài toán hóc búa chưa có lời giải không chỉ với Áp-ga-ni-xtan mà cả với Mỹ./.
Theo: nhandan.com.vn